Đời lưu lạc của huyền thoại HONDA CUB
Xe CUB tự hào là sản phẩm được mọi người trên toàn thế giới ưa chuộng với số lượng sản xuất lớn nhất toàn cầu, hơn 100 triệu xe bán ra cho tới tận ngày nay. Nó cũng là chiếc xe máy gần như gắn liền với hình ảnh cũng như số phận của hãng xe Honda. Chúng ta hãy cùng đi tìm câu chuyện về cuộc đời của dòng sản phẩm đỉnh cao này.
Honda CUB ở đâu mà ra
Cho tới sau chiến tranh thế giới lần II, Nhật Bản hầu như chả có cái sản phẩm gì ra hồn ngoài thanh gươm samuarai sắc bén! Mấy hãng xe của Nhật khi đó vẫn chỉ sản xuất xe 3 bánh, xe tải thô hoặc xe đạp là chính. Điều này đã khiến cho ông chủ Honda suy nghĩ rất nhiều, và sau khi đi quan sát thị trường châu Âu, ý tưởng mà Soichiro Honda và Fujisawa Takeo hình dung đó chính là hình ảnh về một chiếc xe máy mới 50 phân khối, di chuyển nhanh nhẹn. Và chiếc xe máy Kreidler K50 đời 1954 của Đức Quốc chính là nguồn cảm hứng của Takeo, người đã thúc đẩy Soichiro Honda nhắm vào thị trường xe máy nhỏ dựa trên kiểu xe này – rẻ tiền và dể bán – Honda đã chinh phục thế giới.
Các đặc điểm và thông số kỹ thuật của Super Cub được giới thiệu trong catalog năm 1958.
Mẫu quảng cáo cho Super Cub trên báo chí Nhật Bản năm 1968. Trên mẫu quảng cáo này, Honda đưa ra các thông điệp về tính ưu việt của động cơ, phong cách và sự tiện dụng của Super Cub.
Điều kiện đường sá của Nhật Bản thời đó còn rất xấu và xe ngựa là phương tiện di chuyển cần thiết cho người dân. Yêu cầu cơ bản mà nhà sáng lập Honda đặt ra lúc này chính là một sản phẩm có thể di chuyển dễ dàng dù là trên địa hình xấu, đảm bảo độ bền và bất kỳ ai cũng có thể chạy dễ dàng, nó phải là chiếc xe mà cả phụ nữ cũng có thể sử dụng và phần động cơ không bị lộ ra ngoài.
Cub được thiết kế như thế nào?
Ý tưởng chế tạo ra một chiếc xe, khác với những chiếc xe tay ga lúc bấy giờ, nhanh chóng được triển khai thành bản phác thảo với một kiểu xe mới có động cơ nằm ngang để giấu vào trong thân xe và giúp người lái lên xuống, điều khiển xe dễ dàng hơn. Sau đó, các nhà sáng lập đã không ngần ngại chỉnh sửa khung xe, cải thiện tính năng di chuyển dễ dàng hơn, bên cạnh đó họ còn suy nghĩ đến việc cho dù người sử dụng xe là nữ giới có vóc dáng nhỏ nhắn cũng không gặp trở ngại gì.
Honda Cub 86 – dòng Cub vang danh và quý giá một thời bao cấp ở Việt Nam
Trong bối cảnh mà những nhà thiết kế tài năng người Nhật khi đó hầu như không biết gì về nghề. Vì thế mà Honda học hỏi bằng cách… đặt báo định kỳ những tạp chí về ôtô xe máy của các nước Ý, Đức, Pháp và Mỹ, để xem! Nhà thiết kế chính của Honda thời bấy giờ - ông Kimura - là một trong số ít những nhà thiết kế đã theo đuổi tư tưởng của trường phái BAUHAUS. Đây vốn là tên gọi của một trường kiến trúc nghệ thuật của Đức có ảnh hưởng rất lớn đối với các thiết kế trên thế giới vào nửa đầu thế kỷ 20. Nói tới BAUHAUS là nói tới những thiết kế mỹ thuật công nghiệp dung hòa được vẻ đẹp vật chất và vẻ đẹp của nghệ thuật. Tư tưởng này, có thể nói là đã cho ra đời nhiều kiệt tác nghệ thuật và tạo ra một cuộc cách mạng trong giới thiết kế mỹ thuật công nghiệp. Honda thời bấy giờ cũng đã gửi các nhà thiết kế đi học ở nơi được xem là thánh địa nghệ thuật này, từ đó nuôi dưỡng những nhân tài của mình. Ngoài ra, Honda còn gửi người đến Mỹ và tại đây, các nhà thiết kế cũng đã học hỏi được rất nhiều kiến thức nghệ thuật khác nhau.
Ông Soichiro Honda (đứng giữa, hàng trước) và ông Kimura (ngoài cùng bên trái, hàng trước) khi Super Cub đoạt Giải thưởng Thiết kế công nghiệp Maichini năm 1960.
Ông Soichiro Honda với động cơ Cub tại nhà máy.
Ông Kimura ban đầu cũng thiết kế Super Cub dựa theo một số mẫu xe cảu châu Âu. Cân nhắc đến tính năng vận hành trên đường có điều kiện xấu, Honda đã đưa ra bản phác thảo thiết kế, theo đó đề xuất việc sử dụng lốp xe có đường kính ngoài là 21 inches. Khi đó kiểu xe Moped của các nước châu Âu thường sử dụng lốp xe cỡ lớn từ 24 đến 26 inches của xe ôtô. Nhưng dù đưa ra phác thảo như vậy, dựa trên việc nghiên cứu kiểu dáng tiện cho việc lên - xuống, cũng như vóc dáng của người Nhật và tính năng chạy xe trên đường xấu. Kết quả là Honda đã bắt đầu xem xét đến việc giảm bánh xe xuống cỡ vành 17 inches. Thiết kế của Super Cub được định hình từ độ lớn đó của lốp xe.
Vì phần động cơ trước đó đã có mô hình bằng gỗ cùng với côn ly tâm và hộp số, nên chỉ cần phác thảo bản vẽ để đảm bảo lốp xe 17 inches và khoảng cách giữa hai trục bánh xe có khoảng không gian vận hành rộng rãi, thì có thể hình thành được bản thiết kế xe Super Cub. Tiếp theo là khâu nghiên cứu, đánh giá trên mô hình đất sét với tỉ lệ 1:1, thể hiện triết lý coi trọng hiện thực của Soichiro Honda.
Hơn thế nữa, để hiện thực hóa về một chiếc xe tiện lợi, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng thì việc phát triển côn ly tâm - đặc trưng của dòng xe Cub - là vô cùng cần thiết. Mặc dầu có những khó khăn trong việc phát triển này nhưng nhờ có kết cấu này nên chiếc xe trở nên rất tiện lợi và dễ dàng sử dụng, chính vì vậy mà Honda đã cho ra đời những chiếc xe máy mà các cửa hàng mỳ Soba có thể tin dùng trong công việc giao hàng tận nhà của mình.
Phong thái lái xe cũng tạo ra được cảm giác mong muốn sử dụng với bất kỳ ai, kể cả nữ giới, những người vốn không thích xe máy cũng sẽ lái xe đi làm. Độ cao của tay nắm cũng được tính toán nhằm mang lại vị trí lái xe dễ chịu và cảm giác tự nhiên sảng khoái cho người lái. Về mặt thiết kế, Honda vừa duy trì các tính năng vừa đổi mới những thiết kế ban đầu, đưa vào những nét mới để tạo ra sự hài hòa với thiên nhiên. Ví dụ như ở giảm xóc trước được thiết kế từ hình ảnh cặp chân trước của chú hươu Bambi - một nhân vật trong bộ phim cùng tên của hãng Walt Disney, còn kiểu tay nắm cong hình cánh chim lại là thiết kế đặc trưng riêng của Honda mà không hãng nào có được.
Honda đã khám phá ra vẻ đẹp để đạt đến những yêu cầu cần thiết và vẻ đẹp đó thực sự đã thăng hoa trong những thiết kế hài hòa. Về màu sắc, Honda đã lựa chọn màu xanh nhẹ gần gũi, thân thuộc với tất cả người dân Nhật Bản làm chủ đạo. Dù sao Super Cub cũng là một sản phẩm hướng đến sự gần gũi với đại chúng, do vậy Honda luôn tập trung đến những màu sắc thân thuộc với người sử dụng. Màu sắc yên xe cũng là màu đỏ pha xanh nhằm tạo ra cảm giác thân thuộc.
Future mới – dòng Cub hiện nay của Honda tại Việt NamHuyền thoại Honda Super Cub C125 thế hệ mới nhất với công nghệ thông minh khác biệt trên nền thiết kế cổ điển đã chính thức xuất hiện. Ở Việt Nam chiếc Cub này có giá bán tới 85 triệu đồng.
Sau khi được bán ra tại thị trường Nhật Bản vào năm 1958 và gặt hái được thành công lớn, ý tưởng về mẫu xe này đã giành được sự tiếp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Không cần nói đến việc mẫu xe này đã chinh phục đỉnh cao như thế nào, nhưng qua câu chuyện của ông Tanaka - một thành viên của Honda thế hệ đầu tiên đã đến Việt Nam vào năm 1967, chúng ta có thể hiểu được bối cảnh thị trường thời bấy giờ khi mà dòng xe này được nhập khẩu vào Việt Nam.
Từ đâu mà Cub đã đến và ở lại Việt Nam mãi mãi.
Việt Nam, Cam Bốt và Lào – vẫn còn ảnh hưởng là thuộc địa cũ của Pháp nên các loại xe máy sử dụng tại miền nam Việt Nam trước năm 60 hầu như được nhập cảng từ Châu Âu. Và đa số đều là xe máy kiểu xe ga như Vespa hoặc Moped chạy xăng pha, máy 2 thì. Cho mãi cho đến khi những chiếc Honda xuất hiện trên đường phố bởi những Thiện nguyện viên Mỹ đến làm việc mang theo xe Honda từ Mỹ trong đầu thập niên 1960, thì Honda Cub mới bắt đầu là một phần máu thịt của Nam Việt Nam.
Sau đó vào năm 1965, chính phủ VNCH nhập cảng những xe Honda 50cc đầu tiên cho quân nhân, và công chức mua trả góp. Khi đó Honda Nhật Bản mới chính thức cho mở chi nhánh đại diện tại Saigon.. Vì thời cuộc chiến tranh, và thời bao cấp bị cấm vận qua đến thời kỳ “đổi mới” 1986, cho đến khi khối Đông Âu sụp đổ, Honda mới chính thức thành lập tại Việt Nam vào năm 1996, và mở nhà máy sản xuất xe Honda vào năm 1997 cho tới hôm nay.
Thời điểm năm 1965, khi gần 20.000 chiếc Super Cub được nhập về để phục vụ hỗ trợ kinh tế cho miền Nam Việt Nam. Những chiếc xe này với bộ máy OHV có tiếng khuya xành xạch của các van mở đóng buồng đốt khi xe chạy. Những kiểu xe đầu tiên là Honda C-100 và C-110, hai kiểu xe nầy với động cơ 50cc 4 thì, không xài xăng pha nhớt như các kiểu xe máy 2 thì nhập cảng từ Châu Âu. Dòng Honda C-100 rất hợp với phụ nữ vì bình xăng thiết kế dưới yên ngồi, nên người Việt Nam hay gọi là Honda Dame (Dame = tiếng pháp có nghĩa là phụ nữ). Còn dòng C-110 có bình xăng trên khung, ống xả khói vắt lên cao bên phải, bộ ly hợp tay với hộp số gồm 3 số chân thì dành cho cánh đàn ông (Nó chính là chiếc Honda 67 oai hùng).
Tuy nhiên, tại đây những chiếc xe Cub này đã gặp phải một vấn đề khiến cho một kỹ sư của Honda là ông Tanaka phải đến Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ khắc phục sự cố đó. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ việc sử dụng loại xăng pha tạp vốn chỉ dùng cho xe động cơ 2 thì.
Thuê nhà dân để thành lập văn phòng làm việc cho Honda tại Sài Gòn, và lúc bấy giờ mới chỉ có một người làm công tác kinh doanh bán hàng, khoảng 3-4 người làm bên bộ phận dịch vụ. Bước đầu tiên, ông đã tuyên truyền việc không sử dụng xăng pha tạp vốn chỉ dùng cho xe động cơ 2 thì, bên cạnh đó còn so sánh xe Cub động cơ 4 thì của Honda với loại động cơ 2 thì, đồng thời quảng bá về loại động cơ ưu việt này với các đặc tính ít tốn nhiên liệu, bền, ít gây tiếng ồn và không nhả khói trắng. Bằng những hoạt động PR, kết hợp với dịch vụ hết sức tận tụy và chất lượng sản phẩm tốt, Honda đã được công nhận rộng rãi, và trong 3 năm từ 1967 đến 1969, khoảng 750.000 chiếc xe của Honda đã được bán ra. Thời điểm đó, lượng đặt hàng đến công ty chỉ trong một ngày đã lên tới đơn vị chục nghìn chiếc.
Trong kế hoạch PR, Honda đã tạo ra phiên bản tiếng Việt cho câu quảng cáo trên poster "Bạn sẽ gặp những người dễ thương nhất đi xe Honda” mà trước đây Honda đã từng sử dụng để chinh phục thị trường Anh - Mỹ, bên cạnh đó là sử dụng những tờ rơi quảng cáo mà có lẽ là xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam.
Honda đã tạo ra những thông điệp quảng cáo với nội dung “Honda góp phần tạo ra những con phố đẹp cho Sài Gòn. Động cơ êm, sạch, chắc chắn và bền bỉ. Ai cũng có thể sử dụng được”, đặc biệt chú trọng nhấn mạnh tính năng của động cơ để quảng bá.
Chính hình ảnh về những chiếc xe máy Honda tràn ngập trên đường phố cũng đã trở thành một sự quảng bá hiệu quả, góp phần tạo nét hài hòa cho các con phố Việt Nam.
Khoảng 100 cửa hàng bán xe lúc này vẫn luôn chú trọng để điều hành nghiêm túc các hoạt động hậu mãi. Là một công ty luôn coi trọng vấn đề lái xe an toàn, Honda đã mời những hướng dẫn viên phổ cập lái xe an toàn đến từ Nhật Bản, mở ra các lớp học về cách thức lái xe an toàn cho mọi người. Ngày nay, ý tưởng này vẫn tiếp tục được thực hiện.
Lý do mà tại Việt Nam, xe máy của Honda được ủng hộ nhiều đến thế dù chỉ trong một thời gian ngắn là bởi so với loại xe Moped sử dụng động cơ 2 thì của châu Âu, xe của Honda vẫn có được vị trí ưu việt hơn xét về tất cả các mặt như tiết kiệm nhiên liệu, độ bền cao,... Xe máy của Honda có kiểu dáng tổng thể chắc chắn, và có thể nói đây là phương tiện cần thiết để di chuyển lánh nạn tại các vùng chiến sự thời điểm bấy giờ.
Về sau này, sự phổ biến và ảnh hưởng của xe máy Honda, đặc biệt là dòng Cub tại Việt Nam lớn đến mức người ta vẫn thường dùng từ “xe Honda” để chỉ “xe máy” nói chung. Nắm bắt được sự yêu mến của khách hàng với dòng xe Cub khởi đầu thì Honda vẫn duy trì sản phẩm Super Dream, Wave – những mẫu xe có thiết kế gần nhất với những chiếc Cub đầu tiên. Bên cạnh đó, cũng xuất phát từ dòng xe Cub, dòng Future được đưa ra với mục đích đa dạng hóa sản phẩm theo hướng cao cấp hơn.
Như vậy, ngay cả Super Dream, Wave và Future cũng có nguồn gốc xuất xứ từ dòng Cub cách đây hơn 50 năm. Không chỉ Super Dream và Future, xe Cub còn là cảm hứng cho nhiều nhà sản xuất tham gia chế tạo và đến nay đang hình thành nên một thị trường rộng lớn. Nhưng dù sao vẫn không thể phủ nhận rằng, nguồn gốc về xe số chính là những chiếc xe Cub của Honda. Và rồi đến hôm nay, dòng Honda Cub đã hồi sinh trở lại với chiếc Super Cub C125 với công nghệ siêu hiện đại trên vóc dáng gần như nguyên thuỷ khi xưa.
Viết bình luận