Trang chủ > LIFE DRIVE > Xe máy Honda bị bán Chênh giá hỗn loạn là như thế nào?

Xe máy Honda bị bán Chênh giá hỗn loạn là như thế nào?

# LIFE DRIVE | June 22, 2022

Một thực tế trong thị trường xe máy phổ thông gần đây là sự bức xúc và thái độ tức giận của xã hội về việc phải trả thêm quá nhiều tiền để mua một chiếc xe máy Honda. Các mẫu xe mà HEAD (đại lý bán xe cho Honda Việt Nam) bán ra có giá bán cao hơn so với giá bán từ hãng như Vision (chênh từ 14 – 18 triệu đồng), SH (chênh từ 11 – 22 triệu đồng)… cũng có các mẫu xe có giá bán thấp hơn giá công bố, như Winner X. Vậy đây có đúng theo quy luật cung-cầu của thị trường hay là hành vi thao túng, bắt ép khách hàng.

Thực tế hiện nay là rất nhiều người tiêu dùng tỏ ra vô cùng bức xúc khi khi các đại lý uỷ quyền của Honda (HEAD) bán ra một số mẫu xe cao hơn giá bán lẻ đề xuất của chính hãng. Mức giá chênh lệch rất lớn, chiếm tới gần nửa chiếc xe. Thậm chí tiếng nói xã hội còn bùng phát việc quy kết Honda Việt Nam (HVN) có liên đới hoặc chí ít có trách nhiệm với giá bán lẻ đề xuất. Mặc dù vậy, khách hàng càng bức xúc thì các mẫu xe "ăn khách" như Honda Vision hay Honda SH vẫn bị bán chênh cao so với giá bán công bố. Đáng chú ý là các mẫu xe này thậm chí còn không có sẵn xe để mua.

Lí do nào về việc một xe có hai giá? Tại sao HVN không quản được giá bán thật? Cơ quan quản lý nói gì?

Vậy thực tế nào đang diễn ra tại thị trường ô tô Việt Nam? Mối quan hệ giữa HVN, người tiêu dùng và các HEAD là như thế nào khi mà người dân phản ảnh các mẫu xe Honda trong thời gian qua đến tay người dân cao hơn nhiều so với giá bán mà HVN công bố. Mặc dù HVN đã liên tục thanh minh sự việc này từ nhiều năm trước; là ngoài tầm kiểm soát của công ty, chỉ chắc chắn một điều, hình ảnh thương hiệu Honda trong mắt người tiêu dùng Việt, đã bị ảnh hưởng nhiều. Và thị phần của xe máy Honda vẫn tăng đều, chiếm tới 80% cả nước.

Theo thực tế thì HVN không bán sản phẩm trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng mà thông qua các HEAD. Mà các HEAD lại kinh doanh không nhận hàng ký gửi từ HVN mà phải trả tiền khi mua hàng, tức là quan hệ đối tác kinh doanh độc lập, các HEAD không thuộc quyền quản lý (về kinh doanh) của HVN.

Chính từ thực tế này đã dẫn đến việc các HEAD bán sản phẩm với giá bao nhiêu không phụ thuộc vào HVN, vì các sản phẩm đã hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của các HEAD, chứ không còn là của HVN nữa. Chính vì thế, đại diện Honda Việt Nam cho biết rằng hãng này không thể yêu cầu các HEAD bán xe với giá bao nhiêu, chưa kể việc là một thương hiệu chiếm thị phần lớn, HVN không thể ấn định (khống chế) giá bán cụ thể của từng sản phẩm khi ra thị trường vì đây là hành vi Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, Lạm dụng vị trí độc quyền (quy định tại Khoản 1 điều 24 Luật Cạnh tranh năm 2018*)

Điều này dẫn đến các mẫu xe mà HEAD bán ra đã yêu cầu người mua phải trả giá cao hơn so với giá bán từ HVN như Vision (chênh từ 14 – 18 triệu đồng), SH (chênh từ 11 – 22 triệu đồng)… nhưng cũng có các mẫu xe có giá bán thấp hơn giá công bố, như Winner X. Lí do dễ hiểu là xe nào nhiều người mua, hiếm xe thì phải thêm tiền, xe nào Ế thì giảm giá... đúng theo quy luật cung-cầu của thị trường.

Lí giải về việc xe khan hiếm và giải thích cho dư luận về chuyện "găm xe" tạo cơn khan hiếm để nâng giá bắt chẹt người mua. Cả HVN lẫn Đại diện Cục Công nghiệp-Bộ Công Thương đều cho hay nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khan hàng, tăng giá các loại xe nói chung và xe máy nói riêng là do thiếu nguồn cung chip xử lý và chi phí đầu tư sản xuất tăng. Người tiêu dùng muốn mua xe phải đặt hàng sớm và chịu mức giá bán chênh lệch lớn!? Nói cách khác câu chuyện mua xe máy của người dân Việt Nam là "Kinh tế thị trường" không có liên quan gì với "Định hướng xã hội chủ nghĩa"!

Khoản chênh lệch giá Có phải là trốn thuế hay gian lận?

Xét trên yếu tố công bằng và minh bạch thì trong giao dịch mua bán; Quyền lợi tối cao của người tiêu dùng là được chọn sở hữu sản phẩm xứng đáng với số tiền bỏ ra, cũng như được hưởng những dịch vụ kèm theo, như bảo hành, bảo trì… và cả thái độ phục vụ của nhà phân phối. Việc các HEAD tăng giá bán cao hơn giá niêm yết của HVN với các mẫu xe đang thiếu mà lại hấp dẫn khách hàng, như Vision, Air Blade, Lead… về mặt kinh doanh là điều dễ hiểu. HEAD không "ép" khách phải mua, khách phải trả thêm tiền là tự nguyện. Khách hoàn toàn có quyền "chê ghét" hoặc từ chối mua xe với giá Đắt. Thậm chí nhiều khách hàng còn chấp nhận mua xe Honda nhập khẩu tư nhân với giá cao hơn xe hãng. Đáng nói là khách hàng của HVN hiện tại không thể trông mong sự giúp đỡ từ họ về vấn đề giá CHÊNH.

Nhưng vấn đề thắc mắc và "tức giận" của khách hàng đến từ việc các HEAD thu tiền cao hơn nhưng lại xuất hóa đơn theo giá bán từ HVN (công bố), như một hình thức của việc trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy vậy thực tế đa phần người mua xe vẫn nhận hoá đơn viết sai giá niêm yết.  Nếu người mua không đồng ý hóa đơn này, liệu doanh nghiệp có thể thực hiện sai trái này? Tuy nhiên vấn đề hóa đơn lại thuộc phạm vi của cơ quan thuế.

Người mua xe máy Việt Nam có thể làm gì?

Nếu không hài lòng với việc giá bán xe HVN bị nhiều HEAD đẩy lên quá cao, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn thương hiệu khác, như Yamaha, Suzuki, SYM… Doanh số sụt giảm, thương hiệu bị xấu, không sớm thì muộn, chiến lược bán hàng của HEAD và cách quản lý HEAD của HVN phải thay đổi để giữ chân người tiêu dùng. Lúc đó, người tiêu dùng mới thực sự được mua xe với giá "Tốt", nhưng nếu vẫn rủ nhau ra HEAD trả thêm tiền để có xe Honda thì tốt nhất là đừng "chửi bới" nhiều trên mạng làm gì! 

Minh Hạnh

 

BÌNH LUẬN

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên