Trang chủ > LIFE DRIVE > Âm thanh Rock n’ Roll nhảy nhót trong thiết kế xe Ford

Âm thanh Rock n’ Roll nhảy nhót trong thiết kế xe Ford

# LIFE DRIVE | December 12, 2020

Liệu những âm thanh ma quái của Rock n’ Roll đã từng là niềm cảm hứng cho các nhà thiết kế hàng đầu ở Ford? Và người ta yêu thích sự hưng phấn mà những chiếc Ford mang lại một phần đến từ sự lãng mạn của cáy tay thợ vẽ lừng danh. Hoài cảm về một thời xe hơi vẫn còn đem tới thứ cảm xúc đẹp, khác hẳn cái sự cục súc chém vá bây giờ…

Có thể nói, thiết kế xe hơi là một nghề bạc bẽo. Một mớ các quy định pháp luật và điều lệ an toàn. Giấy chứng nhận thân thiện với môi trường. Đảm bảo nằm trong dự toán ngân sách. Đảm bảo hàng trăm, hàng ngàn bộ phận khác nhau kết hợp một cách liền lạc. Nhưng vẫn phải làm cho người mua xe thấy yêu! Nhìn chung cái nghề sáng tạo luôn là vậy. Nhưng bạn sẽ không nhìn thấy bất kỳ sự bất mãn hay chán nản nào trong đôi mắt của Jack White, nhạc sĩ, tay chơi nhạc cụ cự phách, cựu thành viên ban nhạc The White Stripes.

Sinh ra và lớn lên ở Detroit, cái nôi của ngành công nghiệp ôtô Mỹ và cũng chính là nơi bị tàn phá nặng nề bởi chính niềm tự hào của mình, những con người nơi đó không thể tránh khỏi bị ám cái mùi kim loại, trực tiếp hoặc gián tiếp. Cái mùi vị lắp ráp của thành phố xe hơi đã ăn vào máu của những con người trưởng thành nơi đây. Ban nhạc The White Stripes cũng không ngoại lệ, với thứ nhạc hầu như không tách khỏi nền rock Detroit, luôn tự định chế và khắt khe, mà vẫn kỳ lạ, đầy tình cảm, có sức lay động lòng người khó lòng có thể tìm thấy ở nơi đâu, chỉ với những nhạc cụ và phương pháp thu âm cổ điển, giản dị nhất.

Amko Leenarts - nhà thiết kế xe hơi hàng đầu, từng là Giám đốc thiết kế của Ford khu vực châu Âu - không có mối liên kết gì với The White Stripes. Nhưng nếu gặp Leenarts, bạn không thể ngừng nghĩ về sự liên kết mơ hồ nhưng mãnh liệt giữa hai cái tên tưởng chừng như chẳng liên quan ấy. Vậy mà có. Giống như Jack White luôn miệt mài đục khắc lên những giai điệu tuyệt diệu nhất, Leenarts cũng là một người luôn miệt mài vượt qua những hạn chế và trở ngại để đi từ một kiến trúc sư trở thành một nhà thiết kế xe hơi xuất sắc - người đã có 12 năm kinh nghiệm ở Peugeot-Citroen rồi sau đó đến Ford, trở thành người góp nên “chữ ký” nội thất cho các sản phẩm của hãng xe Mỹ trên toàn thế giới.

Nếu như khả năng biến tấu các nhạc cụ, kết hợp nhuần nhuyễn đủ thứ giai điệu của Jack đã mang đến công chúng hàng loạt album thần sầu và những buổi biểu diễn đầy sức nóng, thì Leenarts và đội của ông đã thành công trong việc quyến rũ hàng triệu người dùng bằng sợi dây liên kết vô hình mà bền chặt được đặt bên trong những chiếc xe. Thiết kế xe hơi cho số đông có thể không ngất ngây như rock n’ roll, nhưng nó không hề cứng ngắc, lạnh tanh với các thông số như người bên ngoài vẫn nhìn vào.

Tất nhiên, rock n’ roll và Detroit có mối duyên thầm, nhưng cũng có sự khác biệt nhất định. Những cái tên như MC5 hay The Stooges không cần phải làm hài lòng số đông theo kiểu nhạc pop, họ chỉ cần dùng thứ giai điệu ma thuật quyến rũ những tâm hồn “rung và lắc”, giật giật theo từng tiếng gằn đậm chất rock. Amko Leenarts thì lại đang hiện thân trong một ngành công nghiệp mà ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Ông cho biết: Phần lớn mọi người quyết định sẽ mua gì dựa trên 180 giây ấn tượng đầu tiên. Ấn tượng ấy có thể đến từ hình dáng, cách họ có thể đặt món đồ nào đó vào nơi như thế nào, hay liệu điện thoại có thể kết nối với ôtô hay không!

Vì lẽ đó, công việc của Leenarts càng phức tạp trăm bề. Chiếc xe không phải là món đồ trang trí. Nó không chỉ cần đẹp, mà còn cần tính thực tế, và trên hết, tính kết nối của nó với chủ xe. Những nhà thiết kế như Leenarts phải như một chuyên gia tâm lý bắt được vị người tiêu dùng, màu sắc sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào, cảm xúc kết nối giữa người mua và chiếc xe ở đâu… Các nhà thiết kế phải sục sạo chụp đủ mọi hình ảnh nội thất trong đời thực, phân tích con người sẽ “sống” trong xe như thế nào, và thói quen tự nhiên của con người với chiếc xế hộp ra sao. 

Đối với các nhà thiết kế xe hơi - cả nội thất và ngoại thất, vai trò của họ liên tục biến hóa. Amko thích thú với những biến chuyển đó. Các nhà thiết kế dệt lại câu chuyện từ những gì đã được quan sát. Họ trở thành người kể chuyện, chiêm nghiệm tỉ mỉ về người mua, cân nhắc các cảm giác và định hình cái kết.

Con mắt của nhà thiết kế ngày nay đã trở nên công nghệ hơn với một loạt tiến bộ. Chẳng hạn công nghệ thực tế ảo đã giúp cho Ford Studio 2000x có thể đưa các nhà thiết kế “ngồi” vào ghế lái trước cả khi nguyên mẫu được hình thành. Việc tạo mẫu bây giờ nhanh chóng gọn gàng hơn nhiều, những chi tiết vụn vặt và phức tạp cũng dễ dàng được chinh phục. Họ không còn phải lo lắng sẽ xử lý ra sao nếu phát hiện ra lỗi khi đã đi đến một thời điểm mà không còn chỗ cho sự hối tiếc hay sửa sai nữa. Tuy nhiên ở Ford cho đến nay vẫn không cho phép những đường chém vá kiểu Thể thao “giả cày” như phần lớn xe Hàn, xe Tầu ngày nay là ra phục vụ bọn trẻ.

Kết hợp các mảnh ghép làm nên con quái thú phức tạp là bài toán vô cùng gian nan ngay cả với những nhà thiết kế giàu kinh nghiệm nhất. Hàng ngàn trở ngại cũng như hàng ngàn khả năng, những hạn chế và các quy định, mà khẩu vị của người tiêu dùng ngày càng nhiều lên, khắt khe hơn trong khi các sắc thái tình cảm lại quá đa dạng. Sự sáng tạo lồng ghép trong các con số cứng ngắc, những xúc cảm mềm mại lại phải hài hòa với các khối kim loại lạnh ngắt. Đó là những thử thách mang tính khiêu chiến thực sự với các nhà thiết kế xe hơi.

Với những chiếc xe tự lái tròn ung ủng chả có tí đường nét nào, những chiếc xe Hàn mà vỏ xe gồ ghề lồi lõm loạn xạ, ngành công nghiệp ôtô đang trên bờ chuyển đổi mạnh mẽ nhất kể từ khi Henry Ford giới thiệu chiếc Model T. Nỗi ám ảnh về cảm xúc và trải nghiệm trở nên rõ ràng. Nhưng quá trình đi từ thiết kế đến showroom trung bình mất khoảng 6 năm, các nhà thiết kế hôm nay phải đọc được vị cảm xúc của người tiêu dùng trong một tương lai không quá gần. Có thể ví họ như là nhà thiết kế những ký ức tương lai.

Với hạn chế về tài chính và quy định, nhà thiết kế không thể đi lạc quá xa với “mã gen” thiết kế đang tồn tại. Nhưng vẫn phải có những nhà thiết kế phá vỡ các giới hạn, lặng lẽ gửi từng chút cải tiến, có thể mang tính cách mạng hoặc không, phù hợp thương mại hóa hay chỉ tồn tại trong dạng concept, thông qua từng mẫu được trưng bày, từng chiếc xe được bán ra thị trường. Nhưng họ cũng không nhất thiết phải trở thành một siêu thị của những xu hướng mới nhất. Bởi theo Leenarts, thời trang có tính quay trở lại. Những điều từng bị coi là cổ lỗ một lúc nào đó lại trở thành… mốt nhất. Chưa kể, các xu hướng vẫn phải nằm trong khuôn khổ về điều kiện văn hóa, tính thẩm mỹ và những quan điểm truyền thống ăn sâu vào trong máu. Vì thế, bất kể có biến hóa như thế nào, những chiếc xe của Ford phải luôn đảm bảo sẽ phải liên quan đến nơi chúng được bán ra. Đơn giản như chỗ để cốc/bình nước trên xe ở Mỹ phải lớn hơn hẳn so với xe ở châu Âu, trong khi trên xe bán ra thị trường Trung Quốc thì đường kính nhỏ hơn nhưng phải sâu hơn. Hay khách Mỹ thì thích chi tiết gỗ phải được mài thật sáng bóng, trong khi người châu Âu coi gỗ nhám một chút, trông tự nhiên nhất mới là cao cấp. Và nhất là phải nhiều nhựa giả Crom..!?

Nhìn lòng nhiệt thành của Amko Leenarts với thiết kế xe hơi, có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của những nghệ sĩ đường phố, nhà thiết kế thời trang hay nghệ nhân nghệ thuật sắp đặt. Nhưng với các lớp phức tạp của cỗ máy cơ khí, tính kết nối giữa người khởi xướng với người tiêu dùng cuối cùng, khả năng đổi mới sáng tạo trong những ràng buộc chặt chẽ… các nhà thiết kế xe hơi lại càng giống như những nghệ sĩ rock n’ roll đích thực, luôn thách thức các giới hạn trong khi vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các niêm luật cơ bản.

Minh Duy

BÌNH LUẬN

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên