Ford quyết rút khỏi Ấn Độ, Citroen lại nhẩy vào
Ford bất ngờ thông báo rằng họ sẽ ngừng nhà máy tại thị trường Ấn Độ, sẽ chỉ còn duy trì việc kinh doanh dịch vụ và chấm dứt sản xuất, lắp ráp xe xuất khẩu từ đây cho các thị trường lân cận. Lí do theo Ford đưa ra là nhu cầu tiêu thụ xe cao cấp tại Ấn Độ vô cùng khó khăn và ngày càng thu hẹp. Trong khi đó một thương hiệu khác là Citroen lại được tập đoàn "mẹ" là Stellantis quyết định quay trở lại Ấn Độ sau rời bỏ từ năm 1930. Stellantis là tập đoàn hợp nhất giữa hai nhóm sản xuất khổng lồ Fiat Chrysler và Peugeot PSA, sở hữu hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng như Jeep và Ram, Fiat, Citroen, Peuget, Opel, Alfa Romeo... Stellantis đang hướng tới việc giảm sự phụ thuộc vào châu Âu và nhòm ngó tới châu Á.
Mặc dù Ấn Độ là thị trường xe hơi lớn không thua kém khu vực nào, tuy nhiên gần đây đã có một số hãng xe gồm Ford bất ngờ thông báo rằng họ sẽ chấm dứt sản xuất xe tại thị trường Ấn Độ và việc này được thực hiện ngay lập tức. Bao gồm cả việc sản xuất và lắp ráp xe tại nhà máy Sanand (tỉnh Gujarat) cho các thị trường xuất khẩu cũng sẽ kết thúc vào cuối năm nay, các nhà máy lắp ráp và động cơ ở Chennai sẽ tạm dừng hoạt động vào quý 2 năm 2022.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ford - Jim Farley cho biết: “Mặc dù đầu tư đáng kể vào Ấn Độ, Ford đã lỗ từ hoạt động kinh doanh hơn 2 tỷ USD trong 10 năm qua và nhu cầu về xe mới yếu hơn nhiều so với dự báo”. Tuy nhiên, Blue Oval sẽ tiếp tục nhập khẩu các mẫu xe có giá trị đặc biệt, doanh số tương đối thấp hơn để bán trong nước tại Ấn Độ, chẳng hạn như Mustang, phiên bản chạy điện Mustang Mach-E sẽ được nhập khẩu vào thị trường Ấn Độ trong tương lai. Về cơ bản Ford sẽ dừng bán các mẫu xe phổ thông tầm trung tại thị trường Ấn Độ hiện tại như Figo, Aspire, Freestyle, EcoSport và Endeavour. Lí do khiến các nhà máy Ford tại Ấn Độ phải dừng lại là do công suất sản xuất quá thấp. Hai nhà máy tại Ấn Độ có tổng công suất hàng năm là 4 triệu chiếc, tuy nhiên nhà sản xuất ô tô mới chỉ sản xuất được 800.000 xe, chiếm 20% tổng số đó và một nửa trong số đó dành cho xuất khẩu. Thị trường Ấn Độ có xu hướng chỉ tiêu thụ các dòng xe giá rẻ và chất lượng thấp từ các liên doanh với Suzuki, Honda, Kia...
Tuy nhiên Ford nói thêm rằng Ford Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục cung cấp các hoạt động hỗ trợ khách hàng đầy đủ với dịch vụ, phụ tùng và hỗ trợ bảo hành. Hơn 500 nhân viên tại nhà máy động cơ Sanand cũng như 100 nhân viên phân phối phụ tùng và dịch vụ khách hàng sẽ tiếp tục hoạt động trong các hoạt động kinh doanh của Ford tại Ấn Độ.
Ngược lại với Ford thì nhà sản xuất ô tô Stellantis lại có kế hoạch tung ra một mẫu xe mới ở Ấn Độ và Mỹ Latinh với thương hiệu Citroen, trong mục tiêu mở rộng thị trường ra khỏi châu Âu sang các thị trường mới nổi. Kế hoạch trở lại Ấn Độ của Citroen, một thị trường mà thương hiệu xe Pháp đã rời bỏ vào những năm 1930, lại diễn ra vào thời điểm một số nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác đang rời đi sau khi vật lộn để kiếm lợi nhuận, được đánh giá là khá mạo hiểm!
Stellantis là tập đoàn hợp nhất giữa hai nhóm sản xuất khổng lồ Fiat Chrysler và Peugeot PSA, sở hữu hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng như Jeep và Ram, Fiat, Citroen, Peuget, Opel, Alfa Romeo... Kế hoạch sản xuất trở lại ở Ấn Độ sẽ bắt đầu bằng một phiên bản mới của mẫu Citroen C3, được định vị như một chiếc xe di lịch giá rẻ ở Ấn Độ và Mỹ Latinh. Nó sẽ ra mắt vào nửa cuối năm 2022.
Minh Duy
Viết bình luận