Trang chủ > OVER DRIVE > Motor Trial Làm xiếc với xe máy

Motor Trial Làm xiếc với xe máy

# OVER DRIVE | March 22, 2019

 

Không giống với những cuộc đua tốc độ khác như đua mô-tô thể thao (Motor race) hay đua mô-tô địa hình (Motor-cross), mô-tô biểu diễn (Motor-trial) là một cuộc thi tài điều khiển xe khéo léo trên những địa hình cực khó như đá, thùng bậc hay các bề mặt dốc. Trong loại hình mô-tô biểu diễn này thì kỹ thuật cầm xe và khả năng giữ thăng bằng là nhất. Vậy Motor-trial là gì?

Lịch sử môn mô-tô biểu diễn

Mô-tô biểu diễn (Motor-trial) theo đúng nguyên văn tên gọi Trial nghĩa là Thử thách. Môn thể thao này rất thịnh hành tại châu Âu cũng như Nhật Bản. Mặc dù không có tài liệu chính thức nào về thời điểm bắt đầu của môn thể thao này nhưng mô-tô biểu diễn được cho là xuất phát từ một thú chơi xe của giới quý tộc Anh vào những năm đầu thế kỷ 20, cùng thời điểm với sự ra đời của xe gắn máy và các đoàn xiếc cơ khí lưu động.

Giải vô địch Mô-tô biểu diễn toàn thế giới (WCT) được chính thức bắt đầu từ năm 1975. Ngoài ra còn nhiều giải đấu khác cho môn thể thao này như giải Trial des Nation (cho các đội đua đến từ nhiều nước) được tổ chức từ năm 1984, hay giải  vô địch mô-tô biểu diễn trong nhà (Indoor Trial World Championship) từ năm 2001.

Tại các giải đấu ấy, cùng với sự phát triển của các đời xe mới cũng như sự tiến bộ trong kỹ thuật điều khiển xe của các tay đua, độ khó của các chướng ngại vật cũng ngày càng được nâng cao trong những năm gần đây.

 

Honda là một trong những đội đua hàng đầu thế giới tại giải này, với chiếc Montesa COTA 4RT (RTL250) liên tiếp vô địch nhiều năm

 

Trong các môn mô-tô thể thao, mô-tô biểu diễn có những ưu điểm riêng mà các môn khác không có. Do vận hành với tốc độ thấp và nội dung thi đấu là biểu diễn cá nhân đơn lẻ trên chướng ngại vật nên mối nguy hiểm từ các chấn thương nặng hay tai nạn liên hoàn cũng rất thấp. Thậm chí nếu lựa chọn được cho mình cấp độ phù hợp thì ngay cả những người có tuổi vẫn có thể chơi môn thể thao này.

Đặc trưng của xe mô-tô biểu diễn

Những chiếc mô-tô biểu diễn được thiết kế, chế tạo một cách chuyên biệt, khác hoàn toàn so với những chiếc xe gắn máy mà các bạn vẫn thường thấy. Chỉ có phần thiết kế cơ bản nhất của xe gắn máy là vẫn được giữ nguyên, còn các bộ phận khác đều được đơn giản hóa hoặc giảm trọng lượng tối đa. Ngay cả yên xe cũng được giản lược đến mức gần như không có. Đó là vì mô-tô biểu diễn chủ yếu được điều khiển khi người lái đứng trên thanh để chân, nên yên cũng phải thu nhỏ đến mức có thể để không ảnh hưởng tới tư thế, thao tác của người lái.

Lốp của mô-tô biểu diễn thường là loại lốp gai với lớp vân lồi lõm đặc trưng. Mặc dù vậy những chiếc lốp này lại khá mềm để có thể thích ứng được với nhiều loại bề mặt chướng ngại khác nhau. Áp suất lốp cũng được đặt ở mức thấp hơn khá nhiều so với thông thường (có thể dễ dàng ấn được bằng tay), nhằm tăng diện tích tiếp xúc để đạt được lực bám cao tại các địa hình hay bề mặt đặc biệt.

Hệ thống giảm sóc được thiết kế với hành trình ngắn nhằm truyền những thao tác của người lái một cách nhanh nhất tới bánh xe, giúp người lái có thể giữ thăng bằng trên xe qua những thao tác hết sức tinh tế.

Đặc trưng của động cơ là loại 4 thì có khả năng tăng tốc cực nhanh từ những khoảng tốc độ thấp. Ngoài ra, gầm động cơ còn được trang bị tấm bảo vệ lớn nhằm chịu được những va đập với các vật chướng ngại vật như đá. Cần số cũng được thiết kế xa ra khỏi vị trí thanh để chân nhằm tránh bị chạm vào giầy của người lái khi không chú ý.

Thanh để chân được đặt ở vị trí cao giúp tạo nên trọng tâm trên cao khi người lái đứng trên xe. Với trọng tâm trên cao như vậy, người lái có thể thực hiện được kỹ thuật vượt chướng ngại vật hết sức tinh tế và đặc trưng của môn mô-tô biểu diễn bằng cách di chuyển trọng tâm của cơ thể.

Những thể lệ của cuộc thi mô-tô biểu diễn

Một cuộc thi mô-tô biểu diễn được tổ chức dựa trên phương pháp tính điểm theo từng khu chướng ngại (thông thường là vượt 2-3 lần qua 10-15 khu chướng ngại), trong thời gian thi đấu quy định trước (tùy từng chặng hay cuộc thi có thể khác nhau nhưng đối với WTC là 5-6 tiếng). Cách tính điểm là trừ điểm nếu phạm lỗi trong mỗi khu chướng ngại.

Khi vượt chướng ngại, lần chạm chân thứ 1 bị trừ 1 điểm, lần thứ 2 bị trừ 2 điểm, còn từ lần thứ 3 trở lên thì đều bị trừ 3 điểm. Các trường hợp: 1. Rơi, đổ xe ra ngoài khu chướng ngại được quy định, 2. Xe bị tắt máy và chạm chân, 3. Không vượt qua khu chướng ngại trong thời gian quy định, 4. Xe bị lộn lại trong khu chướng ngại... đều bị trừ 5 điểm. Bỏ cuộc giữa chừng cũng bị trừ 5 điểm.

Những kỹ thuật cơ bản trong Mô-tô biểu diễn

  • Giữ thăng bằng (Standing): Đây là kỹ thuật cơ bản trong mô-tô biểu diễn khi người lái đứng trên xe giữ xe thăng bằng ở trạng thái tĩnh. Trong thi đấu, mỗi lần chạm chân đều bị trừ điểm nên có thể nói rằng đây là kỹ thuật cơ bản nhất của môn thể thao này.

 

  • Đi bằng 1 bánh sau (Willy): Nhấc bánh trước, chỉ vận hành bằng bánh sau nhờ thao tác tay ga và phanh sau. Khác với mô-tô thể thao, kỹ thuật này trong mô-tô biểu diễn thường không cần tốc độ cao.

  • Bốc đầu ngược (Giant willy): Sau khi đi bằng 1 bánh sau, bánh trước được tiếp tục nâng cao tới mức chắn bùn sau gần như chạm đất và xe vuông góc với mặt đất.
  • Nhấc bánh sau (Jack knife): Khi xe đang vận hành bình thường, bằng thao tác phanh, bánh sau được nhấc lên. Lúc này, chiếc xe như 1 con dao ghim xuống mặt đất nên kỹ thuật này được gọi là Jack-knife.

  • Đi bằng bánh trước: Là kỹ thuật chạy xe lúc đang nhấc bánh sau. Khi xe đang vận hành bình thường, bánh sau được nhấc lên khỏi mặt đất trong chi xe vẫn chuyển động.

  • Kỹ thuật xoay vòng bằng bánh trước (Jack-knife turn): Là kỹ thuật xoay vòng bánh sau 180 độ khi đang đi bằng bánh trước.
  • Xoay vòng trên không (Air turn): Là kỹ thuật nhấc đồng thời cả 2 bánh và xoay vòng trên không từ 90-180 độ.

Mặc dù tất cả các kỹ thuật trên đều là những kỹ thuật cơ bản trong mô-tô biểu diễn nhưng cũng là những kỹ thuật hết sức khó, đòi hỏi sự đào tạo căn bản và dày công luyện tập.

BÌNH LUẬN

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên