Trang chủ > OVER DRIVE > Tay đua Formula 1 tập thể lực kiểu gì

Tay đua Formula 1 tập thể lực kiểu gì

# OVER DRIVE | March 16, 2020

Trong một cuộc đua F1, các tay đua phải giữ được sự điềm tĩnh, tập trung cao độ, còn phải liên tục “ngó xe mình rình xe đối thủ” và liên lạc với đội kỹ thuật. Trong khi vẫn lái điên cuồng qua những khúc ngoặt liên tiếp, ngồi cứng trong khoang lái phóng với tốc độ tới 300km/h. Vậy họ khỏe như thế nào và phải tập luyện làm sao?

Bình thường trong những chuyến lái thử xe “mạnh bạo” nhất, dân không chuyên mới chỉ lái những chiếc Ferrari, Porsche Turbo, Maserati, Lamborghini, và Mercedes SL500 với tốc độ cao nhất khoảng 260km/h. Và với chỉ vài vòng đường đua dài khoảng 15km, có thể khiến phấn khích lúc đầu, sau đó là sự chán nản và mệt mỏi sụp người! Vậy nên với các tay đua chuyên nghiệp, luôn phải chạy vận tốc tên lửa với vài chục vòng, họ phải có sức khoẻ và thân kinh thép.

Hãy hình dung việc điều khiển những chiếc xe chạy nhanh nhất hành tinh và tưởng tượng sự căng thẳng tột độ này đặt lên cơ thể của bạn. Sung sức hơn các cầu thủ bóng đá và dẻo dai bền bỉ hơn cả những vận động viên điền kinh: những tay đua xe Công thức 1 có cơ thể cân đối, tráng kiện và hoàn hảo nhất trong làng thể thao thế giới. Trong một cuộc đua, một tay đua F1 phải duy trì trạng thái cân bằng, điềm tĩnh, tập trung cao độ và liên tục thông tin liên lạc với đội ngũ kỹ thuật trong khi vẫn dẫn lái một cách hoàn hảo nhất những cỗ máy tốc độ cực kỳ phức tạp bám chắc qua những khúc ngoặt ngoằn ngoèo liên tiếp, những đường đua luôn thay đổi và ngồi trong khoang lái không mui che chắn với tốc độ chóng mặt chừng 300km/h. Trong môi trường khốc liệt như vậy, chỉ cần một sai sót nhỏ của tay đua cũng có thể dẫn tới mất mạng (như huyền thoại người Brazil Arton Senna tại Imola năm nào).

Để đủ sức minh mẫn tham gia tranh đua tốc độ trong khoảng 2 giờ đồng hồ liên tục, các tay đua trước hết phải có được sự sung mãn cả về thể lực và tinh thần nhưng vấn đề là làm thế nào để có được sự sung mãn ấy. Tố chất cơ thể mỗi tay đua là điều kiện tiên quyết nhưng có vai trò quan trọng hơn lại chính là những bài tập luyện thể chất căng thẳng, khắc nghiệt và cần mẫn hàng ngày, có chế độ dinh dưỡng đặc biệt và sự chăm chút tỉ mỉ của những chuyên gia y học F1. Đó là một ban riêng chuyên trách việc thể chất của BTC và đội đua, họ đưa ra các bài tập và họ cũng có quyền không cho phép ai được đua hay không. Các tay đua F1 phải luôn đảm bảo những yếu tố bao gồm:

Trái tim mạnh mẽ

Một người khỏe mạnh bình thường có nhịp tim trung bình vào khoảng 60 lần/phút và khi chạy nhanh đạt tới 150 lần/phút. Tay đua và chàng “Đông-goăng” David Coulthard (đội đua Red Bull Racing) có nhịp tim bình thường chỉ 40 lần/phút nhưng có thể lên tới 198 lần/phút trong khi đua – một con số khá tương đồng với nhịp tim của một vận động viên chạy marathon đo được khi băng qua vạch cán đích. Một bác sĩ thể thao người Italia chuyên về y học F1 và là thành viên của đội đua Panasonic Toyota Racing có tên Riccardo Ceccarelli. Ông là một bác sĩ y khoa và phẫu thuật, một chuyên gia trong y học thể thao và dày dạn kinh nghiệm về vật lý trị liệu, đặc biệt là những tật bệnh về tư thế dáng điệu. Ceccarelli cho biết, lái xe ở tốc độ cao cũng đầy kịch tính như trong một cuộc chạy marathon 42km: “Sự khác biệt chính là có những giây phút căng thẳng tột độ về trạng thái thần kinh. Không có môn thể thao nào đòi hỏi sự tập trung cao độ như đua xe F1. Một lượng rất lớn adrenalin cần được bơm chuyển liên tục và như vậy cũng phải có một cơ thể tráng kiện, dẻo dai và đó chính là điều giải thích vì sao nhịp tim của các tay đua F1 có thể cao đến mức khó tưởng tượng”.

Khả năng chịu đựng tuyệt vời của các tay đua F1 chính là nhờ kết quả của những khoảng thời gian rèn luyện thân thể khắc nghiệt, cần mẫn, những bài tập để tăng khả năng chịu đựng cho tim mạch lên tới 4 giờ một ngày như: chạy bộ, đạp xe, bơi, chèo thuyền... Những bài tập luyện này cũng giúp duy trì thể trọng luôn ổn định ở mức quy định – một tay đua như David Coulthard phải duy trì hàm lượng chất béo trong cơ thể ở mức 7%, tương tự như của một vận động viên chạy marathon khi xuất phát cuộc đua.

Cơ cổ chắc khỏe

Ceccarelli nói: “Tôi biết không có môn thể thao nào có những đòi hỏi cao về hệ cơ bắp ở cổ như F1. Một cái đầu và một chiếc mũ bảo hiểm F1 có trọng lượng khoảng 6kg. Hơn nữa, trong khi điều khiển các xe đua với tốc độ chóng mặt như thế, các tay đua phải chịu thêm một lực khoảng 4G, và như vậy cổ của tay đua phải chịu đựng một trọng lượng chừng 24kg”. Cơ cổ là một trong những phần quan trọng nhất của một tay đua F1. Trong khi luyện tập, các dây băng lớn bằng cao su được sử dụng để thay tương đương cho những yêu cầu về lực G khá lớn. Các tay đua cũng kết hợp rèn luyện khả năng chịu đựng của cổ trong các bài tập sức bền như chèo thuyền, đạp xe...

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống có vai trò khá quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp năng lượng cần thiết cho một cơ thể cường tráng. Các tay đua F1 cũng ăn nhiều chẳng kém gì so với các vận động viên điền kinh với những chế độ cẩn trọng về lượng carbohydrateprotein hấp thụ vào cơ thể. Chuẩn bị bước vào một cuộc đua, họ sẽ phải tiếp năng lượng bằng cách ăn nhiều mì ống và bánh mì. Ngay trước khi đua và thỉnh thoảng trong cuộc đua, các tay đua phải uống bổ sung một lượng nước khá lớn. Vì rằng trong cuộc đua, cơ thể các tay đua bị mất nhiều nước qua việc bài tiết mồ hôi – nhiệt độ rất nóng trong không gian khoang lái của xe đua F1 có thể làm cho các tay đua bị hao hụt tới 3kg trọng lượng cơ thể do mất nước trong suốt một cuộc đua.

Sức mạnh tinh thần

Các tay đua không chỉ chăm sóc cẩn thận sức khỏe thể trạng của mình mà họ còn phải tập luyện để có một tinh thần vững vàng. Hầu hết các đội đua F1 đều hợp tác với các chuyên gia tâm lý học thể thao để đảm bảo cho các tay đua của mình có thể tập trung cao độ, không bị chi phối tâm lý trong khi tham gia cuộc đua. Các phương pháp có thể kể đến như xem kỹ lại các bản đồ đường đua, hình dung từng đoạn đường đua và một vòng lặp tổng thể nhằm giúp tay đua cảm nhận được rằng anh ta đã thông thạo đường đua như đã từng lái xe qua vào mọi thời điểm trước khi thực sự chạy qua cung đường đó.

Các tay đua cũng phải nghiên cứu tập luyện những kỹ thuật về hơi thở để duy trì trạng thái cân bằng tâm lý, đặc biệt là ở những thời khắc gay cấn nhất, tập luyện những kỹ thuật tâm lý để loại bỏ các tác động ảnh hưởng từ xung quanh – một tay đua ngồi vào trong xe là phải chịu biết bao ánh mắt và sự chú ý từ các nhân viên kỹ thuật, hàng ngàn fan hâm mộ, ống kính các nhà báo... và đó chính là những nhân tố dễ gây mất tập trung của các tay đua. Họ phải tập những bài tập rất buồn cười như đứng thăng bằng trên giá bi như xiếc, chơi bóng đập với thiết bị "phá đám" hay chơi các trò phản xạ tay với thiết bị điện tử.. liên tục hàng ngày.

Formula Medicine

Formula Medicine là một đội đặc biệt quan trọng, chuyên trách về vấn đề y học và những hỗ trợ thể chất cho các tay đua xe hơi. Từ năm 1994, Formula Medicine đã hợp tác hỗ trợ cho hơn 250 tay đua ôtô ở nhiều thể thức, trong đó có 36 tay đua xe F1. Thành viên của Formula Medicine bao gồm: đội ngũ các bác sĩ, huấn luyện viên thể thao và các nhà vật lý trị liệu, được chỉ đạo bởi Riccardo Ceccarelli (từng làm việc cho F1 từ năm 1989).

Các tay đua được kiểm tra về y học tổng quát trước khi bắt đầu một chương trình phát triển thể lực bởi Formula Medicine. Các cuộc kiểm tra này được kết hợp thực hiện với trung tâm y học Don Bosco, một trung tâm chẩn đoán hiện đại, có thể đưa ra những kết quả rất nhanh chóng nhờ sự hợp lực nghiên cứu làm việc của hơn 60 chuyên gia dày dạn kinh nghiệm. Formula Medicine có một phòng tập thể dục hiện đại chuyên biệt cho các tay đua xe thể thao. Các huấn luyện viên của Formula Medicine cũng hỗ trợ hiệu quả cho các tay đua trong nhiều bài tập ngoài trời như: chèo xuồng caiac trên hồ, đạp xe, chạy bộ, bơi, tennis... Và quan trọng là chúng ta chỉ nhìn thấy các tay đua "sênh sang" bước ra sân và thi đấu, kiếm hàng triệu đô, ăn chơi du hí, nhưng không biết rằng cuộc sống của họ thực ra là chuỗi ngày đua xe và nai lưng ra tập luyện.

Minh Vũ

BÌNH LUẬN

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên