Trang chủ > LIFE DRIVE > Vẻ đẹp xe hơi và nỗi ám ảnh Trung Quốc

Vẻ đẹp xe hơi và nỗi ám ảnh Trung Quốc

# LIFE DRIVE | December 15, 2022

Hơn 1 thế kỷ trôi qua, từ khi Mercedes-Benz, Ford Model T ra đời thay đổi cách nhân loại làm và sử dụng xe hơi cho đến nay. Người Âu Mỹ luôn nắm quyền “chỉ bảo” trong thế giới ô tô. Nhưng khi Trung Quốc nổi lên với hơn 1 tỷ kẻ khao khát ham muốn mua xe hơi, thì các “ông Tây” ngay lập tức vứt toẹt cái tiêu chuẩn Automobile của họ.. sẵn sàng vẽ bất kỳ thứ gì lên một chiếc xe, miễn là bán được xe cho người Tầu. Mọi loại Xe sang, Xe quý giờ đây đều “rồng phượng” hết! Và đó là tiêu chuẩn mới của thế giới Ô tô bây giờ!?

Hơn 10 năm trở lại đây, Trung Quốc là con rồng trong thế giới ô tô, đất nước tỷ dân này là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Doanh số bán xe hàng năm đều đặn ở mức trên dưới 20 triệu xe – một con số khủng khiếp – sẵn sàng bóp chết bất kỳ một hãng xe nào. Kết quả, Trung Quốc chiếm quyền quyết định thị hiếu xe hơi của toàn thế giới.

Ô tô là ưu tiên số 1 của tầng lớp trung lưu mới nổi của Trung Quốc. Xe ô tô là thuốc phiện của thế kỷ 21 ở Trung Quốc, và các nhà sản xuất xe hơi phương Tây đang ganh đua xâu xé miếng bánh này.

Các nhà sản xuất xe hơi phương Tây điên cuồng thả móc câu của họ vào giới trẻ và tầng lớp giàu có Trung Quốc. Họ đổ xô vào các liên doanh với Trung Quốc, sẵn sàng thỏa thuận bất kỳ yêu sách nào từ các ông chủ Tầu, từ đổi tên xe cho tới vặn méo cả cái xe cũng được… Vì họ có lợi nhuận thu về ngay khi hợp đồng liên doanh còn chưa ráo mực.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu không phải ai cũng biết làm thế nào để giải thích với đám đông khát xe, về sự đúng đắn và tính lãng mạn tinh tế trong khía cạnh thiết kế. Họ đang điên đầu với sự ám ảnh của khách hàng Trung Quốc với đồ hiệu cao cấp phương Tây và cái chất “Nhà giầu” của phương Đông. Họ buộc phải tráng men hay dát vàng lên một chiếc Ferrari là chuyện bình thường! Giải bài toán xe Sang với khách hàng Trung Quốc quả là một hành trình dài, thậm chí là vô tận.

Thậm chí câu hỏi nguy hiểm hơn là; Bao lâu nữa trước khi ý thức bản địa của Trung Quốc về phong cách, sang trọng, văn hóa sẽ xuất hiện ảnh hưởng đến việc mua ô tô? Khi thị hiếu người tiêu dùng trở về với cội nguồn văn hóa của họ, các hãng xe toàn cầu phải làm gì? Họ sẽ bán mình ?

Trong khi đó thị trường xe sang Đại Lục thì ngày càng phình to. Thực tế là giới nhà giàu Trung Quốc hiện đều tránh xa ô tô Trung Quốc, họ mặc định gắn quyền thế cá nhân với các thương hiệu hạng sang châu Âu hay Mỹ. Ví như nhiều năm nay, Buick là xe bán chạy nhất ở Trung Quốc (xuất tại Trung Quốc) và Audi là nhãn hiệu xe nhập khẩu bán chạy nhất. Ông Ian Callum, giám đốc thiết kế toàn cầu của Jaguar từng nói rằng: "Người Trung Quốc yêu thích sự sang trọng, họ yêu thích tiện nghi và họ yêu nhất là sự thể hiện."

Và Jaguar – một hãng xe danh giá với chất tinh tế của quý tộc Anh Quốc đã ra mắt luôn XJ L Ultimate, mẫu sedan “kéo dài” để lắp thêm trong xe một cái bàn lấp lánh sơn mài màu đen và kim loại đánh bóng. Gắn hẳn một đôi iPad, ghế sau hạng thương gia có sấy sưởi và massage; ngoài ra còn có máy làm lạnh Champagne với bộ ly cốc thiết kế dành riêng đi kèm.

Jaguar không phải hãng xe duy nhất chạy theo thị hiếu của người Trung Quốc. Theo chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc điều hành Ulrich bez, Aston Martin cũng đã sản xuất ba mẫu xe Dragon 88 tại triển lãm ô tô Bắc Kinh, sử dụng màu sắc và mang biểu tượng chào mừng Năm Rồng: trang trí bằng vàng 24-karat và con rồng vàng thêu trên tựa đầu ghế ngồi. Dragon 88 có số lượng giới hạn 88 chiếc.

Ferrari cũng vứt toẹt sự kiêu ngạo của hãng siêu xe tốc độ hàng đầu, để tung ra phiên bản đặc biệt 458 Italia trang trí theo chủ đề truyền thống dân gian về con ngựa và con rồng. Con rồng cuộn trên mui xe và trên lưng của nó có thiết kế giống như một đường đua.

Range Rover thì sẵn sàng sản xuất hẳn chiếc SUV Evoque với tuyên bố đây là phiên bản do một Cô "Victoria Beckham" trực tiếp thiết kế! Cho dù nhiều lùm xùm về cái lí do “nực cười” này, nhưng chẳng sao. Miễn là có dấu ấn của cô ca sỹ Spice Girl vì giới trẻ nhà giàu Trung Quốc đang cuồng cô nàng.

Bugatti cũng chả ngần ngại gì khi tung ra Veyron 16.4 Grand Sport Wei Long - siêu xe được phủ lớp sơn trắng như gốm sứ Trung Hoa và nội thất đỏ rực bọc nhung lụa với chi chít biểu tượng đầu rồng thêu, in gắn khắp xe. Thậm chí logo bản hãng ở nắp chụp vành cũng được thay bằng mặt rồng.

Còn thương hiệu quyền uy nhất Châu Âu là Rolls-Royce thì dâng lên cho Trung Quốc phiên bản đặc biệt Dragon Edition Phantom với màu đỏ đậm chất Trung Hoa và hình con rồng vẽ tay màu vàng đồng bộ với ghế thêu rồng.

Shinichi Muto, một nhà thiết kế nội thất, nhà cung cấp vật liệu lớn trong ngành ô tô Visteon đã chua chát nhận định rằng: "Nếu không đúng mực, nó có thể trở nên lố bịch… Bạn không thể bọc chiếc xe bằng lụa và gốm rồi coi nó là đẹp.” Quả thực câu than thở này đúng với trường hợp cả đến mẫu xe bản sắc ngạo nghễ nhất của người Mỹ là Jeep Wrangler cũng có Jeep... Rồng.

Mặc dù vậy thị trường xe hơi sang trọng có thể sẽ không biến mất các nét đẹp phương Tây. Ngoài nỗi ám ảnh hàng hiệu châu Âu của khách hàng Trung Quốc, các nhà sản xuất xe hơi vẫn có nhiều lý do khác như lịch sử dân tộc, quy mô nền kinh tế, tuân thủ quy định, khí động học. môi trường..v.v để tránh các sản phẩm quá méo mó. Thêm nữa về mặt kỹ thuật, nhiều nghệ thuật trang trí truyền thống như thổ cẩm, kim loại quý, đồ gốm và men sứ… không thể đảm bảo chất lượng và an toàn trong môi trường sử dụng khắc nghiệt của xe ô tô.

Nhưng buồn cười nhất trong làn sóng xe sang ở Trung Quốc lại chính là các nhà sản xuất Ô tô nội địa của họ. Có thể nói họ chính là nạn nhân lớn nhất của chủ nghĩa đế quốc văn hóa lai giống này.

Nỗ lực của các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc trong việc buộc phải vươn lên ở phân khúc xe sang đang biến họ thành các nhân vật “hề hước” trong truyện tranh. Họ phải vẽ ra các mẫu xe nội địa đẹp như của Tây, nhưng càng vẽ càng méo mó. Tại Bắc Kinh, Lifan đã từng ra mắt một chiếc sedan bốn cửa cực đơn giản, không có cả túi khí nhưng có cái tên cực oách - Master CEO.

Chiếc limousine Geely GE Embrand dài 5,4m trông giống như một máy cạo râu Norelco bọc thép, bên trong thì rất là lổn nhổn với đủ thứ trang bị nhồi nhét, cái lưới tản nhiệt khổng lồ khiến người ta liên tưởng đến thiết kế của xe tải FAW Red Star đời cổ.

Hoàn toàn là vấn đề nhân sự. Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc không có nguồn lực và các nhà thiết kế giàu kinh nghiệm như phương Tây để có lăng kính văn hóa gần gũi với thẩm mỹ khách hàng của họ. Giống như không thể dùng nét vẽ của tranh thủy mặc để vẽ ra nụ cười sơn dầu của Mona Lisa hay ngược lại!

Sự sang trọng luôn có bản sắc riêng của nó. Nói một cách khác như Stephan Winkelmann - CEO của Lamborghini đã nói: “Trung Quốc sẽ phải tìm định nghĩa của riêng họ về sự sang trọng. Họ sẽ phải tự tìm và định nghĩa nó. Nhưng họ học hỏi rất nhanh". Và ngày càng nhiều các studio về Design của Trung Quốc với các tay thiết kế trẻ tài năng dần xuất hiện, lãnh đạo các studio của Tây, hoặc vẽ ra các sản phẩm mang mầu sắc dân tộc siêu tưởng mới

Trong khi đó thì các ông chủ xe hơi phương Tây lại rất nhanh chóng tìm ra câu trả lời; BMW đã mở studio Designworks ở Thượng Hải, theo sau General Motors, Volkswagen, Toyota, Honda và PSA Peugeot Citroën. Hãng xe sang Infiniti của Nissan, cũng bỏ trụ sở toàn cầu ở Mỹ để chuyển đến Hồng Kông.

Vậy nếu Lifan cũng mở trụ sở ở Paris, London, NY thì sao!? Không bao giờ trừ khi thời đại xe điện bắt đầu. Khi mà mọi khái niệm về văn hóa xe hơi tất cả đều bị thứ văn minh “tròn trùng trục” của xe điện vứt vào sọt rác!

Minh Duy

BÌNH LUẬN

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên