Trang chủ > REVIEW > Xe hơi Renault sẽ “chết” ở Trung Quốc

Xe hơi Renault sẽ “chết” ở Trung Quốc

# REVIEW | April 15, 2020

Renault là hãng xe đầu tiên sẽ “chết” tại Trung Quốc trong dịch bệnh COVID., theo một thỏa thuận giữa liên doanh Dongfeng Motor Group and Renault S.A  vừa được ký ở Thượng Hải về việc Renault sẽ chuyển hết 50% vốn cho hãng xe Trung Quốc nắm giữ và quản lý. Như vậy liên doanh ô tô Dongfeng Renault Automotive Company (DRAC) sẽ là 100% Trung Quốc và không còn hoạt động nào trực tiếp từ thương hiệu Renault.

Thương hiệu xe hơi du lịch Renault của Pháp có khả năng sẽ “biến mất” khỏi Trung Quốc một cách chính thức, nếu như văn bản ghi nhớ tại Thượng Hải giữa họ và đối tác Trung Quốc (hãng xe Đông Phong) trong liên doanh Dongfeng Renault Automotive có hiệu lực. Biên bản ghi nhớ không ràng buộc này đã thống nhất; Đông Phong - nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Vũ Hán đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Renault, sẽ chuyển 50% cổ phần của mình trong DRAC cho Tập đoàn Dongfeng Motor. Bên cạnh đó, liên doanh sẽ dừng các hoạt động liên quan đến thương hiệu Renault. Nói cách khác, hãng xe Pháp chấp nhận rút lui khỏi thị trường Trung Quốc và bán lại vốn cho đối tác của mình là ô tô Đông Phong. Lí do không khó hiểu vì gần đây bản thân Renault cũng như cả liên doanh với Đông Phong đang vật lộn với doanh số. Trong khi đó ở tập đoàn, Renault cũng đang phải tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ sau những rắc rối của liên doanh giữa họ và Nissan. Ở Trung Quốc, Renault chủ yếu sản xuất và bán vài dòng xe Crossover nhỏ và xe miniCar như Renault Koleos, Renault Kadjar hay Renault City K-ZE.

Chiếc Crossover cỡ trung Renault Kadjar là chiếc xe đầu tiên được sản xuất và nổi tiếng nhất của Renault tại Trung Quốc. Nó là dòng xe chủ lực và được kỳ vọng nhất của hãng xe Pháp tại đây. Renault Kadjar được ví với khái niệm sống mạnh mẽ và táo bạo của lớp trẻ Trung Quốc hiện đại, tên tiếng Trung của nó là  科雷嘉 [kē léi jiā]

Ở Trung quốc, Renault xuất hiện chính thức từ 2013 thông qua “DRAC” – công ty liên doanh 50/50 giữa Dongfeng Motor Group và Renault SA với một nhà máy sản xuất xe tại Vũ Hán. Tuy nhiên kinh doanh không khả quan, từ 2019 thương hiệu xe Pháp liên tục đối mặt với mức giảm doanh số tồi tệ (18.607 xe). Tụt giảm từ mức cao kỷ lục 72.000 xe năm 2017. Doanh thu và lợi nhuận chỉ đạt 1.0% và 0.5% năm 2019 và đối mặt với những khoản lỗ đáng sợ lên tới 1,5 tỷ NDT. Tiếp tục vận đen, doanh thu bán hàng còn trở nên tồi tệ hơn bởi dịch cúm COVID-19. Trong quý 1/2020, liên doanh chỉ sản xuất 14 và bán 663 xe. Mặc dù nhiều nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc đã công bố doanh số tăng trở lại vào tháng 3, nhưng nhà máy của DRAC thậm chí không đủ đơn hàng để sản xuất vượt quá 100 xe.

Giải pháp được đưa ra, Đông Phong tuyên bố sẽ giúp DRAC “sống lại” bằng các chiến lược toàn diện theo tinh thần của tập đoàn xe Trung Quốc. Trong đó có những thay đổi về chất lượng, công nghệ cao và mô hình kinh doanh!? Tất nhiên Đông Phong sẽ nắm toàn quyền sở hữu và quản lý liên doanh này, chỉ không hiểu khi Renault rút đi thì liên doanh DRAC thực chất sẽ sản xuất kiểu ô tô mang nhãn gì?

Về phía trách nhiệm thương hiệu, Renault chỉ cam kết sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ hậu mãi cho khoảng 300.000 khách hàng đang sở hữu xe Renault, thông qua các đại lý của Renault. Cũng như các hỗ trợ từ nguồn lực của họ trong khối liên minh toàn cầu Renault, Nissan và Mitsubishi Motors. Trong đó đáng chú ý là thông tin hai bên sẽ tăng cường hợp tác với Nissan nghiên cứu một động cơ thế hệ mới. Mở đường cho Đông Phong được cung cấp linh kiện và giấy phép sản xuất loại động cơ diesel mới từ hãng ô tô Nhật Bản.

Trong khi đó ở một tuyên bố khác, Renault nói rằng họ vẫn tiếp tục bám trụ ở Trung Quốc, nhưng chỉ với dòng xe ô tô điện và xe tải nhẹ. Thực tế hiện Renault vẫn đang có một liên doanh sản xuất xe điện và xe tải nhỏ với 2 hãng xe Trung Quốc là Brilliance Jinbei China Automotive (xe tải nhẹ) và Jiangling Motors Corporation Group (xe điện).

Minh Duy

BÌNH LUẬN

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên