Trang chủ > LIFE DRIVE > Ferrari kiếm tiền tỷ như thế nào

Ferrari kiếm tiền tỷ như thế nào

# LIFE DRIVE | March 16, 2020

Tuyên bố với thế giới, những ông chủ ở Ferrari vẫn luôn ngạo nghễ rằng; Ferrari sẽ tiếp tục duy trì việc sản xuất xe theo số luợng giới hạn, cung sẽ ít hơn cầu để đảm bảo đặc tính hiếm có của mỗi siêu phẩm. Một hãng xe dù là siêu siêu đẹp và đắt, nhưng chỉ bán có vài nghìn xe năm, đi cùng chi phí sản xuất thủ công, công nghệ siêu đắt. Vậy họ có “mánh” thế nào để ngày càng giầu hơn đến mức năm 2019 vừa rồi doanh thu vọt tới 4,1 tỷ Đô.

Có lẽ đến thời điểm này, khi mà cả Bentley, Rolls-Royce, Lamborghini đều đã làm cả xe SUV thì Ferrari vẫn còn đang cố chưa “rũ áo” với danh tiếng truyền thống. Vẫn không sản xuất hàng loạt, không từ bỏ lịch sử, nhưng Ferrari vẫn tiếp tục khẳng định “ngôi vua” của mình trong thế giới siêu xe hiện đại. Vẫn không đến mức phải rơi vào thế “quẫn chí” ra mắt xe theo công chúng. Và quan trọng là vẫn gia tăng lãi từng ngày, thậm chí từ khi Ferrari ra nhập sàn chứng chứng khoán vào tháng 10/2015 với vốn hóa 9.5 tỷ USD và chỉ chưa đầy 2 năm đã tăng lên tới 12.3 tỷ USD. Mặc dù sản lượng xe bán ra được “bóp phanh” hết mức, họ cố gắng trong suốt mười mấy năm nay, Ferrari chỉ dám sản xuất loanh quanh từ 5000 xe và tăng nóng nhất tới 10.131 xe năm 2019. Một con số bé tí so với các hãng xe thể thao kiểu như Porsche (280.800 xe)..

Vậy thì những chiếc Ferrari lộng lẫy kiêu ngạo ít ỏi trên thế giới có đủ sức mang về núi tiền cho hãng xe hay không? Cho dù giá của chúng rẻ nhất cũng hơn trăm ngàn đô, nhưng điều thực sự phải suy ngẫm, đó là Ferrari không phải như các nhà sản xuất hàng loạt Volkswagen, Ford, Honda hay Toyota. Số xe tiêu thụ hàng năm không quá 05 con số, nhưng vẫn có thể thu được một khoản lợi nhuận khồng lồ. Đó quả là điều ngạc nhiên! Ở đây rõ ràng là nhà sản xuất xe thể thao số 1 thế giới này phải giải quyết ba vấn đề:

Thứ nhất, hãng có thể tiêu thụ gấp 10 lần số lượng xe mà họ hiện đang sản xuất. Tuy nhiên họ lại không thể “đẩy” showroom một số lượng xe như vậy vì điều đó làm nên điều “tồi tệ” là ai cũng có thể sở hữu một chiếc Ferrari. Thứ hai, khách hàng sẵn sàng chi gấp đôi mức tiền mà họ phải trả hiện nay nhưng hãng không thể tăng giá bán vì không muốn bị chỉ trích là quá “tham lam”. Và điều cuối cùng, hàng triệu người không đủ tiền để “tậu” một chiếc Ferrari. Tuy nhiên, họ thừa sức mua mọi thứ có dính dáng tới hãng xe có biểu tượng con ngựa chồm này.

Vậy làm cách nào, Ferrari có thể giải quyết ổn thỏa để vừa có thể thêm lợi nhuận trong khi vẫn được nhìn nhận là không đánh mất đi các giá trị thương hiệu truyền thống. Bài toán khó luôn có lời giải hợp lý.

Cần sản xuất bao nhiêu xe mỗi năm mới đủ?

Lời giải của Ferrari là một mánh rất đặc trưng của dân Ý: lang thang du mục chỗ nào vui thì dừng. Điều này nghĩa là gì!? Ferrari từng tuyên bố sẽ không bao giờ chế tạo nhiều hơn 5.000 xe mỗi năm. Tuy nhiên, giới hạn này đang âm thầm bị loại bỏ, ít nhất là họ khôn khéo chỉ duy trì con số loanh quanh 5000 ở từng vùng nhất định. Năm 2019 tổng lượng xe của hãng tiêu thụ tăng vọt đến 10.131 xe.. nhưng là tăng tại các vùng ngoài “sân nhà” của họ ở châu Âu, Trung Đông, Phi. Ferrari thừa hiểu rằng họ có thể bán được hàng trăm chiếc xe tại những thị trường mà trước đây chỉ xuất hiện một vài chiếc lẻ tẻ, và điều đó sẽ không làm “mòn” giá trị của thương hiệu tại Âu và Mỹ. Vì vậy rất khôn khéo, Ferrari đã đẩy ngày càng nhiều văn hóa “siêu xe” lóa mắt tới các thị trường mới nổi như Trung Quốc hay Đông Âu, Châu Á TBD. Con số bán đã nói đúng như vậy; Ferrari bán vẫn chỉ 4.895 xe tại châu Âu và xứ dầu mỏ, 2900 xe ở Mỹ, nhưng bán ở Trung Quốc tăng đến 20% 836 xe và ở mấy nước ĐNÁ, dân chơi cũng ôm tới 1500 chiếc Ferrari cáu cạnh. Ví như mới đây nhất, sau 70 năm vắng bóng... Ferrari đã trở lại Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé nhưng lại có vô số người giầu ẩn nấp!

Giải quyết chiêu mồi để hút thêm các khoản chi của giới mê xe

Bán xe xong đâu đã là xong! Ferrari tiến hành một loạt các hoạt động đầy mời gọi và quyến rũ mới nhắm tới tất cả khách hàng tiềm năng, kể cả chủ xe lẫn người chỉ đủ tiền mê ảnh xe. Nên lưu ý rằng nhóm khách hàng này cực kì mê muội. Nếu là những người đã mua xe Ferrari thì trung bình một ông chủ xe Ferrari sẽ chi khoảng 27.000 USD để “trang điểm” cho chiếc xe của mình. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Khách hàng này có thể mua và lái một chiếc F1 cũ của Ferrari cùng với những tay đua xe kiểu “chim mồi” của hãng. Họ cũng có thể được hãng “thu tiền” và cho họ cái thẻ để trở thành một lái xe thử nghiệm của nhà máy – một danh hiệu rất là “oách” thông qua chương trình FXX.

Thậm chí nếu nộp thêm nhiều tiền nữa, ai cũng có thể ngang nhiên tham dự một cuộc đua trong mùa giải trên một chiếc F430 Challenge, hoàn thiện các kỹ năng lái, hay lựa chọn một loạt các gói “đồ chơi” thời trang xa xỉ, ăn tối chụp ảnh với các tay đua nổi tiếng của Formula 1. Cuối cùng đơn giản nhất và cũng quần chúng nhất, Ferrari đẻ ra một công ty “đồ hàng” chuyên làm logo “con ngựa” dán vào các loại đồ dùng thập cẩm vô thiên lủng trên đời, từ cái nút tai cho đến đôi giầy, điện thoại..v.v bán cho dân chúng! Doanh thu hàng chục triệu đô là có thật.

Lời giải cho vấn đề cuối cùng có tên “Ferrari Classiche”

Trong tiếng Italia, “classiche” có nghĩa là cổ điển. Giải pháp này như sau: Bạn đang sở hữu một chiếc xe mang thương hiệu Ferrari hơn 20 năm tuổi. Sổ nhật trình cho biết chiếc xe đích thực mang nhãn hiệu này. Và quá trình lịch sử cũng khẳng định điều đó. Bằng việc chi một khoản tiền từ 2.850 – 9.500USD, Ferrari sẽ trao cho bạn một giấy chứng nhận có chữ ký xác nhận của Piero Ferrari (con trai người đã tạo dựng thương hiệu nổi tiếng này) để khẳng định tính xác thực của chiếc xe. Bạn cần phải đưa xe tới Maranello (trụ sở chính của Ferrari) hoặc một trong các đại lý chính của hãng. Tại đó các kỹ thuật viên sẽ kiểm tra các thông số, so sánh chúng với các dữ liệu lưu trữ tại nhà máy để khẳng định chiếc xe là nguyên bản. Các linh kiện thay thế sẽ được xác định vì chúng có các mã hiệu kèm theo. Mỗi công đoạn này, các phân xưởng Ferrari Classiche sẽ thu phí với mức giá “phải chăng” khoảng 76USD/giờ.

Hiện nay có khoảng 40.000 chiếc Ferrari cũ đủ tiêu chuẩn để nhận được giấy chứng nhận kiểu này. Người tiêu dùng đã chi hàng triệu, hoặc hàng trăm ngàn dollar cho một chiếc Ferrari cổ, cho nên sẽ không ngần ngại chi thêm một khoản tiền nhỏ để nhận được tấm giấy chứng nhận có chữ ký của Piero Ferrari ngay cả khi chiếc xe có lai lịch rõ ràng. Hơn thế nữa, nếu những tấm giấy chứng nhận này có thể giúp nhanh chóng bán chiếc xe cũ với giá hời, vậy thì ai cũng muốn có được chúng. Thế là chỉ bằng một cú ra đòn, Ferrari có thể “nuốt trọn” ngành công nghiệp béo bở với mục đích duy trì giá trị cho những chiếc xe cổ đang chạy trên đường.

Chủ tịch hãng Luca Di Montezemolo thừa hiểu rằng “Ferrari Classiche” sẽ giúp gia tăng lợi nhuận, mà không phải chế tạo thêm những mẫu xe mới. Tuy nhiên, cụ thể Ferrari kiếm được bao nhiêu tiền nhờ các hoạt động “khác người” này vẫn còn là một ẩn số. Ông trùm xe thể thao hào nhoáng này đã thu về những khoản tiền vô cùng lớn nhờ bán siêu xe cho tới cốc chén, mũ nón, bật lửa..!

Luca Di Montezemolo cho biết: “Chúng tôi biết đích xác các hoạt động khác này trị giá tới mức nào. Chúng là những khoản thu đáng kể”. Suy cho cùng thì để góp phần tạo dựng nên sự thành công của thương hiệu xe thể thao nổi tiếng suốt bao năm qua, chỉ có siêu xe là không đủ. Ở Ferrari họ rất biết cách bán tình yêu…!

Anh Hào

BÌNH LUẬN

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên