Ford Ranger Raptor để bán cho ai
Ford Ranger Raptor liệu có còn là một chiếc bán tải? câu trả lời này đã gây rất nhiều tranh cãi đối với đám đàn ông khi Ford tòi chiếc xe này ra với những thay đổi thực sự là “quái dị”. Vậy tại sao phải đi tìm câu trả lời trong khi rõ ràng hình dáng Raptor là bán tải. Thực sự là cần, vì nếu không hiểu, bỏ rất nhiều tiền hơn cả Wildtrak mà rước nó về rồi để không cảm thấy tiếc.
Hàng nghìn câu từ, hình ảnh trên truyền thông đều cho thấy Ranger Raptor xuất hiện như một siêu bán tải. Đúng thế thật, một chiếc xe có đầy đủ thùng rời, cabin, gầm cao.. chỉ có điều Raptor là chiếc pick-up bào cua lướt cát trong tốc độ của bão, nó không đóng vai lực điền, cầy đường hùng hục và cõng ngập hàng. Nếu như trước đây phiên bản Wildtrak với cục máy 3.2 là vô địch về sức mạnh thì nay vẫn vậy. Nguồn sức mạnh thuần khiết của dung tích 3.2L vẫn có lực riêng của nó, không thể nào cỗ máy nhỏ hơn 2.0L của Raptor dù có đôi Turbo thổi lửa lại có thể “ăn đứt” được Wildtrak. Nói nôm na giống như 2 cái lò lửa to và nhỏ, một cái cháy đùng đùng hừng hực, một cái cháy đượm đều và thỉnh thoảng ném thêm que diêm, nó sẽ bùng loé lên. Vậy cái nào tốn củi hơn? Cái nào sẽ phí lửa nếu chỉ cần sưới ấm? cái nào sẽ là không đủ nếu muốn đốt nhà..!? Vậy thì tại sao Raptor vẫn đắt hơn, danh hiệu siêu hơn, hiệu năng mạnh hơn. Câu trả lời nằm ở công năng và mục đích của chiếc xe này.
Đầu tiên câu hỏi là bạn mua bán tải để làm gì? Nếu để chở hàng là chính, cần tải rất nhiều cho công việc và hay phải đi đường xấu. Thì tải trọng và độ ổn định khung gầm là yêú tố xem trước tiên, sau đó là thiết kế đẹp thoả mãn cái oai, rồi tiện nghi công nghệ giải quyết khâu sướng. Thế thì bạn mua một phiên bản Pick-up mà yếu tố đua tốc độ, chạy cướp đường, lao như gió trên các loại địa hình off-road để làm gì? Có ai điên mà chở cả tấn hàng trên thùng rồi lao phăm phăm qua gò hố để bay hết đồ và tan hết dàn gầm? Vậy nên Wildtrak 3.2L vẫn là đầu bảng của Ranger cho công việc. Còn Raptor sẽ là siêu bán tải cho những ông đi kiểm tra những ông kia! Một con số cụ thể rất đơn giản: Ranger Wildtrak tải trọng thùng 1120kg còn Raptor chỉ 750kg. Nhưng dàn gầm của Raptor lại có giá gần 20.000 usd gấp 10 lần Wildtrak.
Mặc dù về hiệu năng, con số kỹ thuật dung tích Ford Ranger Raptor không mạnh hơn so với Ranger Wildtrak 3.2, so với Colorado, với Navara… Nhưng điểm mạnh của Ford Ranger Raptor là ở công nghệ tăng áp, đi kèm rất nhiều “đồ chơi” địa hình khủng khiếp được bổ sung trên mẫu xe này. Lần đầu tiên Ford tạo một phiên bản Raptor cho dòng bán tải nhỏ hơn F-150. Từ khi ra mắt, người ta đã đồn đoán râm ran khắp nơi về khả năng thực sự của chiếc xe này. Mặc dù nhìn hình ảnh nó là quá ngầu, Raptor đẹp và mang dáng dấp của 1 “tiểu” chiến binh Off-road rất rõ, nó đẹp không kém chiếc xe đua địa hình thực sự nào. Nhưng với cỗ máy chỉ 2.0L liệu nó có thực sự mạnh đến như đồn đoán!? Thực tế thử nghiệm trong những chuyến test drive khắp các vùng sa mạc từ Mỹ tới Úc châu đã chứng tỏ hiện thực không thể chối cãi. Ranger Raptor là vô địch bán tải trên đường Off-road tốc độ đến lúc này.
Xe có cấu hình dẫn động 4x4 với nút gài cầu điện, đi cùng nút khóa vi sai trung tâm. Kết hợp cùng đó là hệ thống Kiểm soát địa hình Terrain Management System với 6 tùy chọn, gồm hai chế độ lái Thông thường/Thể thao và bốn dạng địa hình off-road trên các địa hình: Cỏ/Sỏi/Tuyết; Bùn/Cát; Đá và Baja. Trong đó chế độ cuối cùng vốn chỉ xuất hiện ở những chiếc off-road đỉnh cao nhất, tham gia vào cuộc đua Baja Rally.
Kỹ sư trưởng của dự án Ford Ranger Raptor, ông Damien Ross, chia sẻ: “Raptor là một trong hai phiên bản không cần hộp số sàn của Ford. Những người chọn dòng Raptor thường mong muốn điều khác lạ so với chiếc xe họ đang dùng, việc trang bị số sàn trên xe off-road không có nhiều ý nghĩa đối với công ty. Nếu bạn lái chiếc xe off-road này, bạn sẽ không cần hướng dẫn sử dụng. Đó là quan điểm của tôi và cả đội ngũ, nó cũng giống như việc điều khiển chiếc F-150 Raptor.”
Thiết kế chỉ dành cho tốc độ off-road
Những khác biệt từ gói độ phong cách Raptor bắt đầu từ chữ “FORD” cỡ lớn nổi bật trên lưới tản nhiệt màu đen đặc trưng. Cản trước và ốp gầm cơ bắp sử dụng chất liệu composite không chỉ trông cứng cáp mà còn có khả năng hạn chế va chạm trong điều kiện off-road thường xuyên. Hệ thống chiếu sáng bổ sung thêm đèn sương mù LED, đi cùng đèn pha Projector và đèn LED chạy ban ngày. Ở phía sau, cản chống va đi kèm với một thanh kéo tích hợp và hai móc cứu hộ thiết kế chắc chắn có lực kéo đạt 3,8 tấn.
Các tính năng an toàn có thể kể đến như: Hệ thống hỗ trợ người lái DAT - Driver Assist Technologies; camera chiếu hậu; ổn định thân xe điện tử ESC tích hợp chức năng chống lật, đồng thời giúp xe vào cua và phanh tốt hơn; hỗ trợ khởi hành ngang dốc HAS; hỗ trợ đổ dốc HDC và kiểm soát tải trọng thích ứng LAC... Hệ thống phanh cũng được nâng cấp với các đĩa phanh có đường kính 332mm. Phía trước mỗi đĩa phanh bố trí hai piston có kích thước lớn hơn 9,5mm so với một chiếc Ranger thông thường. Còn phía sau là loại piston đơn 54mm.
Ranger Raptor có kích thước dài x rộng x cao lần lượt 5.398 x 2.180 x 1.873 (mm), khoảng sáng gầm gia tăng thành 283mm. Xe có góc thoát trước 32,5 độ, góc thoát sau 24 độ và góc vượt đỉnh dốc 24 độ. Bản Raptor của Ranger sử dụng la-zăng 17inch cùng bộ lốp đi địa hình BF Goodrich All-Terrain cỡ 285/70R17 cho cả 4 bánh, kèm bộ giảm xóc 46,6mm Fox Racing Shox được chế tạo riêng biệt. Nhờ vào cấu tạo Position Sensitive Damping (PSD), có thể hiểu là Thích ứng theo điều kiện vận hành, hệ thống này có khả năng đáp ứng lực giảm chấn cao trong khi chạy off-road ở tốc độ lớn, giảm lực tương tác giữa xe và mặt đường thấp hơn khi đi trên đường trường.
Khi cho xe lao trên đường cát hay sỏi be bét.. Raptor vẫn gần như dính lấy đường và mọi rung nảy hay văng cua không thể khiến chiếc xe mất lực bám. Bạn hoàn toàn có thể đẩy tốc độ Raptor lên trên 140km/h với đường đất, quá sức tưởng tượng, nhưng đó là sự thực. Tuy nhiên đó chưa phải là điều ấn tượng nhất, khi cho Raptor bay qua các mố đất, hố trên đường. Cứ tưởng rằng nó sẽ khiến chiếc xe gãy đôi hay văng xa tứ tung, nhưng không hề gì. Raptor chỉ đơn giản là bay qua và đáp xuống lại đường mà chỉ chúi và dìm thân gầm một nhịp, lấy lại sự vững vàng lao đi tiếp. Toàn bộ quán tính và trọng lực của cú va đập khủng khiếp đã bị bộ giảm xóc Fox Racing Shox cùng cặp lốp BF Goodrich nuốt chửng!
Đáng chú ý hơn cả, hệ thống treo sau của Ranger Raptor là kiểu giảm xóc lò xo ống lồng, Ford đã loại bỏ nhíp lá như ở các phiên bản khác. Nhờ thiết lập liên kết Watt với trục sau cứng chắc, vừa tăng khả năng chịu tải, vừa hoàn thiện độ linh hoạt và điều khiển của xe ở mọi kiểu “đánh võng” trên đường địa hình.
Bên trong, cabin của Ranger Raptor nổi bật với ghế ngồi thể thao đặc trưng. Vành vô lăng có một thiết kế cực thú vị mà không chiếc xe “dân dụng” nào có. Đó là 1 vòng đỏ đánh dấu ngay chính đỉnh vô lăng, cái vòng đỏ này không phải là để trang trí hay tạo điểm nhấn gì hết. Khoanh đỏ này là tiêu chuẩn bắt buộc với những chiếc xe đua địa hình. Bởi người lái trong hoàn cảnh chạy tốc độ điên cuồng trên cát hay bùn lầy.. họ chỉ nhìn vào khoanh đỏ này là biết được hướng góc lái của lốp trước.
Ngoài ra, xe vẫn có những thứ phục vụ về tiện nghi như các trang bị hệ thống thông tin giải trí Sync 3 của Ford, ứng dụng Apple CarPlay, Android Auto và màn hình cảm ứng 8.0inch định vị dẫn đường vệ tinh... Về màu sắc, Raptor có màu xám Dyno giúp làm nổi bật thêm kiểu dáng mạnh mẽ của chiếc xe này.
Động cơ và gói truyền động đặc chế
Điểm nổi bất nhất ở Ranger Raptor chính là động cơ diesel 2.0L bi-turbo I4 mới, sản sinh công suất 213 mã lực và mô-men xoắn 500Nm. Mức hiệu năng này mạnh hơn 14 mã lực và 30Nm so với động cơ 3.2L Duratorq 5 xy-lanh thẳng hàng ở Ranger phiên bản Wildtrak (công suất 200 mã lực, mô-men xoắn 470 =Nm).
Động cơ đi kèm hộp số tự động 10 cấp Getrag 10R80 chia sẻ cùng Ford F-150, cấu thành từ thép cường lực, hợp kim nhôm và vật liệu composite để tối ưu hóa độ bền và khối lượng. Tuy nhiên, các kỹ sư Ford cho biết các tỷ số truyền đã được tinh chỉnh lại để phù hợp hơn với động cơ EcoBlue 2.0L kể trên. Thuật toán cho hộp số tự động cũng được làm mới để thời điểm sang số, chọn cấp số thật sự chuẩn xác nhằm giúp xe tăng tốc nhanh hơn và xử lý những tình huống tốt hơn. Ngoài ra, lẫy chuyển số trên vô-lăng sẽ là trang bị tiêu chuẩn.
Không chỉ vậy, Ranger Raptor còn được tối ưu cho việc đi off-road kéo dài, bền bỉ và dẻo dai hơn hơn bất kỳ chiếc Ranger nào khác. Khung xe được chế tạo từ thép hợp kim gia cường (high-strength low-alloy steel - HSLA).
Giá bán chính thức cho Ford Ranger Raptor 1,2 tỷ đồng. Đây không phải là mức giá rẻ nhưng xứng đáng cho một chiếc “siêu bán tải” như Ranger Raptor. Bởi vì bạn sẽ được sở hữu một chiếc xe bán tải đua chính hiệu thực sự mà không phải mất công chỉnh sửa lung tung. Vấn đề còn lại là bạn có điều kiện để tận hưởng những cú “bay” trên cát sỏi hay không thôi. Còn dỹ nhiên nếu dùng cho công việc chuyên chở hàng ngày cho công xưởng hay tiệm buôn, điên mà mua Raptor.
Viết bình luận