Trang chủ > TECH > So sánh 3 kiểu truyền động trên xe máy hay và dở

So sánh 3 kiểu truyền động trên xe máy hay và dở

# TECH | September 26, 2021

Mô tô xe máy có 3 kiểu truyền động phổ biến nhất là: nhông - sên - đĩa hoặc trục các-đăng hay dây cu-roa. Mỗi hệ thống truyền động đều có ưu, nhược điểm khác nhau, trong đó hệ thống nhông - sên - đĩa vẫn được sử dụng nhiều nhất bởi nó mang lại nhiều lợi thế hơn khi trong vận hành.

Nếu quan tâm đến một chiếc xe môtô, chúng ta chỉ xem xét ngoại hình, thiết kế của chiếc xe và những thông số liên quan đến động cơ. Tuy nhiên, một bộ phận cũng quan trọng trên xe thường hay bị quên lãng đó là hệ thống truyền động cuối, đưa sức mạnh động cơ đến bánh sau. Khác với ôtô chỉ sử dụng trục truyền thì trên môtô có đến ba lựa chọn phổ biến nhất bao gồm hệ thống nhông - sên - đĩa, trục các-đăng và truyền động bằng dây cu-roa. Lưu ý rằng dây cu-roa trong bài viết này là loại dây cu-roa có răng và truyền động theo dạng ăn khớp chứ không phải theo dạng truyền động vô cấp như trên xe tay ga. Ngoài ra còn có kiểu truyền động “thẳng” từ mô tơ ngay tại trục lốp, tuy nhiên kiểu này lại là một kết cấu xe khác.

Trong ba hệ thống truyền động trên thì nhông - sên - đĩa được sử dụng nhiều nhất bởi nó mạng lại vô số ưu điểm nổi trội, được sử dụng trên rất nhiều dòng xe khác nhau. Trục các đăng thường ít phổ biến hơn và thường chỉ được trang bị trên một vài mẫu xe. Dây cu-roa ít thông dụng nhất và thường chỉ xuất hiện trên một vài mẫu xe nhất định.

Hệ thống truyền động Nhông - Sên - Đĩa (Dây xích)

Tại thời điểm này, khi mà các tiêu chuẩn về khí thải đều đang thắt chặt, các nhà sản xuất đều tìm cách làm cho trọng lượng xe thấp nhất có thể nhằm tiết kiệm nhiên liệu thì nhông - sên - đĩa là một lựa chọn sáng giá. Đến đây thì nhiều độc giả sẽ thắc mắc rằng dây cu-roa mang lại trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều nhưng trên một số dòng xe chuyên dụng cần lực kéo đột ngột như xe đua hay cào cào thì dây cu-roa không thể đáp ứng nổi. Hơn nữa, giá thành độ bền của nhông - sên - đĩa rẻ hơn rất nhiều.

Mặc dù có trọng lượng nặng hơn dây cu-roa nhưng nhông - sên - đĩa mang lại độ bền cao hơn. Ngoài ra, việc bảo trì, bảo dưỡng cũng rất đơn giản. Trong điều kiện hoạt động tối ưu, nhông - sên - đĩa có thể mang lại hiệu năng truyền khá cao, đạt đến 98% và có độ phản hồi tốt. Điển hình như việc sử dụng xe trên những địa hình xấu hoặc những chiếc xe biểu diễn, thường hay tăng tốc đột ngột để bốc đầu hoặc phanh gấp thì nhông - sên - đĩa sẽ phù hợp nhất.

Chưa hết, nhông - sên - đĩa còn cho khả năng tùy biến cao, điển hình là việc thay đổi tỷ số truyền. Nếu bạn muốn chiếc xe mình bốc ngay từ nước ga đầu, kim trong đồng hồ báo tua chạm đến “vạch đỏ” trong khoảng thời gian ngắn hơn thì chỉ cần thay đĩa sau lớn với số răng nhiều hơn hoặc nhông trước với số răng thấp hơn. Ngược lại, nếu bạn thường xuyên chạy đường dài, không cần độ bốc, độ vọt khi đề-pa mà cần chiếc xe có thể đạt vận tốc tối đa lớn hơn thì chỉ cần thay đĩa sau nhỏ với số răng ít hơn. Việc thay đổi như thế nào còn tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng, nếu xuống 1 răng trên nhông trước sẽ tương ứng với việc tăng 3 răng trên đĩa sau.

Với những ưu điểm trên và tuổi thọ có thể đạt từ 10.000km đến 20.000km, hệ thống truyền động nhông - sên - đĩa đòi hỏi người dùng phải chăm sóc kỹ lưỡng và đều đặn. Nếu không được chăm sóc, hệ thống nhông - sên - đĩa sẽ rất nhanh xuống cấp, tuổi thọ giảm đi nhiều và tiềm ẩn nguy cơ đứt xích, tuột xích khi đang vận hành, gây ra nhiều phiền toái.

Hệ thống truyền động Trục các-đăng

BMW Motorrad là hãng xe đi đầu trong việc trang bị trục các-đăng trên xe môtô với mẫu R32, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1923. Sau đó, hệ thống truyền động trục các-đăng thường đi kèm với những mẫu xe Adventure cỡ lớn bởi nó có thiết kế với cơ cấu kỹ thuật khá phức tạp nên truyền động trục là loại truyền động khỏe nhất và đáng tin cậy nhất. Đồng thời, trục các-đăng hoàn toàn khép kín nên có tuổi thọ vô cùng bền bỉ và không đòi hỏi việc chăm sóc, bảo trì thường xuyên như nhông - sên - đĩa. Chỉ cần thay dầu sau khoảng 30.000km đến 50.000km vận hành. Chưa hết, với thiết kế này, trục các-đăng còn là một phần của gắp sau, giúp gia tăng độ cứng chắc của xe, nâng cao độ ổn định và cải thiện cảm giác lái.

Tuy nhiên, thiết kế này cũng mang lại một số điểm bất lợi như trong trường hợp giảm tốc đột ngột, nếu bộ ly hợp trên xe không phải loại ly hợp trượt, hỗ trợ trả số về gấp thì khả năng bị khóa bánh, trượt bánh rất cao. Đổi lại sự bền bỉ của trục các-đăng, nếu gặp vấn đề thì chi phí sửa chữa của loại truyền động này cũng sẽ rất cao bởi hầu hết phụ tùng cần phải được cung cấp bởi nhà sản xuất.

Hệ thống truyền động Dây cu-roa cao su

Hệ thống truyền động dây cu-roa có kết cấu khá giống với nhông - sên - đĩa bao gồm pu-ly nhỏ gắn trên động cơ và pu-ly lớn gắn trên bánh. Trên hai pu-ly đều có răng tương ứng với rang trên dây cu-roa.

Trong ba hệ thống truyền động, truyền động dây cu-roa là loại nhẹ nhất. Hệ thống truyền động dây cu-roa không yêu cầu dầu nhớt bôi trơn như trục các-đăng hay nhông xích nên nó cũng không đòi hỏi việc bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Chất liệu cấu thành dây cu-roa thường bằng cao su tổng hợp Neoprene, lõi bên trong bằng kim loại xoắn để tăng độ bền vững, bề mặt ngoài thường được phủ một lớp nylon nhân tạo để giảm tình trạng nứt, vỡ cao su.

Do thành phần chính sử dụng chất liệu cao su nên truyền động dây cu-roa tuyệt đối êm ái, mượt mà. Nhưng do cấu thành bằng các vật liệu cao cấp nên dây cu-roa thường có giá rất cao và cũng không thể bền bằng sên kim loại. Nhược điểm chính của loại này còn không phù hợp với một số dòng xe chuyên dụng cần lực kéo đột ngột, mạnh và không được trễ ở các địa hình khó.

Anh Quân

 

BÌNH LUẬN

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên