Sàn xe, chuyện sống chết của thế giới Ô tô (P1)
Một chiếc xe hơi muốn tốt xấu tròn méo hay như thế nào đi nữa, ngay cả hãng xe có muốn sản xuất xe, cho nó vào phân khúc nào. Thì đầu tiên không phải là động cơ, số chỗ ngồi, thép nhựa, mà phải chọn được kiểu “sàn xe” hay còn gọi là Platform/Dàn gầm/sát-xi. Đó mới là xương sống của một chiếc xe hơi, thậm chí sự sống của cả hãng xe. Và cũng rất tự nhiên nó vô cùng tốn tiền, không phải tính trên đơn giá 1 chiếc xe mà tính trên việc phải chi bao nhiêu triệu triệu đô để nghĩ ra được cái khung thép với từng cái lỗ khe bắt vít đó. Và thế là câu chuyện "mượn" hay bán, đổi, thậm chí "copy" có chất xám giữa các hãng xe là tự nhiên, chỉ khác nhau rằng họ mặc cả với nhau như thế nào mà thôi. Các hãng xe nhỏ đa phần đều phải đi mua, xin hoặc thậm chí “trộm” trong sự vui vẻ của chủ nhà để làm ô tô. Vậy các hãng xe lớn có những kiểu chia chác “sàn xe” như nào. Đầu tiên là Ford!
Người ta ví rằng, sàn xe giống như tổ tiên, còn những chiếc xe là hậu duệ của chúng. Thế nhưng không phải tất cả xe từ cùng một “cha mẹ” đều có số phận giống nhau. Một số thành công, số khác chẳng để lại ấn tượng gì, thậm chí còn chết yểu. Hãy xem một số hãng lớn bá chủ trên thế giới có sàn xe theo kiểu gì. Trước tiên là câu chuyện thú vị của sàn xe Ford – một triết lý về sàn xe dùng chung. Sàn xe là chuyện hệ trọng với Ford đã giúp họ thoát khỏi phá sản và nổi lên lại trong giai đoạn hiện nay. Để tiết kiệm tối đa chi phí, tăng tính đa dạng sản phẩm, toàn cầu hóa sản xuất là yêu cầu sống còn mà trước nhất chính là sàn xe. Sàn xe chất lượng, linh hoạt sẽ cho ra đời cả loạt sản phẩm tốt, đa dạng về kiểu dáng và ngược lại. Thậm chí những hãng nhỏ thuộc sở hữu của Ford trước đây như Jaguar, Volvo, Mazda, Land Rover, Aston Martin.. cũng dùng Sàn Ford để sản xuất xe của họ.
Với chiến lược “One Ford” (tạm dịch là “Một Ford”) cho toàn cầu, Ford dự tính sẽ cho ra đời khoảng 680.000 xe/mỗi sàn xe toàn cầu trong vòng 5 năm, tăng từ con số là 345.000 hiện nay. Vào năm 2012, 78% doanh số toàn cầu của Ford chủ yếu là các dòng xe dựa trên các sàn xe trọng yếu, tăng từ 29% vào năm 2007. Chỉ riêng sàn C (dùng cho Focus thế hệ mới) sẽ là cơ sở cho khoảng 10 mẫu xe mà Ford ước tính sẽ tiêu thụ được 2 triệu xe. Khi đó, Ford sẽ dễ dàng thay thế hoặc làm mới lại 70-90% các mẫu xe ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á Thái Bình Dương. Kế hoạch đầy tham vọng này sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí nếu sử dụng sàn xe và linh kiện chung. Hơn nữa, sàn xe chung sẽ tạo sự linh hoạt trong việc sản xuất các dòng xe mới. Rõ ràng, sàn xe là một trong Vậy Ford đã tạo ra những sàn xe nào, dùng cho xe gì?
Dòng xe mini (sub-compact)
Sử dụng Sàn B3 (cho xe hạng B). Ford phát triển cho các dòng xe mini, kiểu sàn này được chế tạo ở thủ phủ của Ford ở Dearborn, bang Michigan, Mỹ.
Sàn B3 được dùng lắp cho Ford Ka, Fiesta, Fusion (phiên bản châu Âu), B-Max (2010), Ford Ecosport. Nó cũng được cho hãng Mazda mượn để sản xuất Mazda2, Mazda Verisa (dựa trên chassis của sàn B3).
Ford Fiesta với sàn B toàn cầu điển hình cho sự thành công của dòng xe mini.
Kiểu Sàn B toàn cầu đời mới (B1 hoặc B2E), do các kỹ sư của Ford ở Cologne (Đức) phát triển, sẽ đóng vai trò quan trọng nữa, khi Ford sắp tung ra một loạt kiểu xe nhỏ trong những năm tới. Ford với sàn B3 này, trong vòng 5 năm đã sản xuất chừng khoảng 1 triệu xe, mà thành công nhất là chiếc Fiesta, chiếc xe bán chạy thứ hai ở châu Âu chỉ sau Focus.
Dòng xe nhỏ (compact)
Sử dụng Sàn C1 để sản xuất các xe du lịch cỡ vừa, xe miniMPV, CUV nhỏ trên toàn cầu. Sàn C rất quan trọng, bởi nó là hạng xe diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt nhất về doanh số bán xe của tất cả các nhà sản xuất ở bất kỳ thị trường nào. Nhà sản xuất nào thành công cũng chính là thành công ở hạng xe này. Sàn C1 thay thế sàn C170 cũ kỹ trên chiếc Focus C-Max châu Âu từ năm 2004. Với sàn C1 này Ford có thể áp dụng cấu hình dẫn động bánh đa dạng cả cầu trước hoặc AWD cho các dòng xe. Sàn này được trung tâm Ford Cologne Đức phát triển dưới sự kết hợp các kỹ sư của Ford, Mazda và Volvo.
Focus sử dụng sàn C toàn cầu mới.
Sàn C1 được dùng sản xuất ra xe Focus, CUV Kuga, Escape, Mazda3 (còn gọi là Axela ở thị trường Nhật. Mazda3 2010 hay còn gọi Mazda “cười” vẫn sử dụng sàn này), Mazda5, Volvo S40, V50, C70, C30. Hiện nay với sàn C2 cải tiến, Ford ngoài chiếc Focus đời mới đang bán rất thành công, hãng sẽ phát triển tới 10 mẫu xe mới dựa trên sàn này.
Dòng xe cỡ trung (mid-size)
Ở dòng xe này Ford đang sử dụng 3 sàn: CD3, DEW và EUCD.
- Sàn CD3 là kiểu sàn do Mazda phát triển cùng với Ford hồi đầu 2003 với mục tiêu ban đầu là cho thị trường Mỹ. Hiện tại CD3 đóng vai trò rất quan trọng với Ford và Mazda. Mazda còn gọi sàn này dưới cái tên khác là GG/GY. Sàn này được thiết kế dẫn động bánh trước hoặc AWD. Ford thậm chí trang bị cả cấu hình động lực hybrid trên CD3. Ford không tiết lộ chi phí làm ra sàn CD3 nhưng người ta đồn rằng mất khoảng 1 tỷ Mỹ kim chi phí và nó cho ra đời khoảng 8 mẫu xe. Số tiền trên chưa gồm các chi phí khác như marketing… Nếu phát triển riêng rẽ từng mẫu xe thì đương nhiên Ford sẽ mất 8 tỷ Mỹ kim cho 8 model. Sàn xe chung sẽ giải quyết bài toán chi phí đó.
- DEW là sàn lớn hơn một chút (hạng xe D và E) do Ford phát triển cùng với Jaguar và chấm dứt sử dụng cho các model của Ford (như Mustang 2005, Fairland) vào năm 2006 trong khi Jaguar vẫn dùng cho tới nay sau khi bị Ford “tống” cho tỉ phú đầy tham vọng của Ấn Độ: Tata. Tất nhiên khi Jaguar dùng kiểu sàn DEW, họ phải thay đổi về chất liệu thép, nhôm, cũng như các công nghệ hàn gá đắt tiền để có được mẫu xe “sang” hơn. Mãi đến hiện nay và tương lai tới, Jaguar mới bắt đầu bỏ được sàn Ford để chuyển sang dùng kiểu sàn thông minh co rút dạng “Modular iQ”
- EUCD về bản chất là phiên bản “nới lỏng” của sàn C1 và đã rất thành công ở Mondeo đời mới ở thị trường châu Âu.
Những mẫu xe nào dùng hệ Sàn này: Sàn CD3 dùng cho Mazda6 (đời cũ, hay còn gọi là Atenza ở Nhật), CX-9, Ford Edge, Lincoln Zephyr/MKZ, Mercury Milan. Dòng xe chơi Flex trước đây dùng sàn này còn bây giờ chuyển sang dùng sàn D3 lớn hơn. Trong khi đó, sàn DEW dùng cho Jaguar S-type (đời cũ) và thế hệ sau XF. Còn sàn EUCD áp dụng ở Ford Mondeo đời mới, Ford Galaxy, S-Max, Land Rover Freelander, Volvo XC60, S60, S80 đời trước 2016.
Tương lai theo xu hướng chuyển dịch sang phân khúc SUV, CUV và MPV gầm cao. Nên Ford đang thay thế Sàn CD3 bởi Sàn EUCD có kích cỡ lớn hơn, dễ tạo mẫu xe hơn, trở thành sản phẩm toàn cầu. EUCD có thể trở thành một trong những sàn xe trọng điểm của Ford bên cạnh sàn C của các dòng xe nhỏ.
Dòng xe cỡ lớn (full-size)
Được lắp trên kiểu Sàn D3, ngoại trừ kiểu sàn biến thể riêng dẫn động bánh sau Panther (nổi tiếng với dòng xe cảnh sát Crown Victoria, xe sang Lincoln Town Car) hay
Hầu hết các model sử dụng sàn D3 đều được sản xuất ở nhà máy của Ford tại Chicago, bang Illinois, ngoại trừ Volvo ở Torslanda, Thụy Điển. Xe tiêu biểu sử dụng Sàn D3 là FORD Mondeo, Volvo S60 đời 2009, V79 (2007), XC70 đời cũ, XC90, Ford Five Hundred (2007), Freestyle (2007), Taurus, Lincoln MKS. Một phiên bản khác của sàn D3 là D4 áp dụng cho dòng xe crossover là Ford Flex, Lincoln MKT và Ford Explorer.
Mondeo với sàn EUCD nổi tiếng.
Dòng xe Pony
Dùng Sàn D2C, đây là kiểu Sàn xe dẫn động bánh sau được Ford dùng riêng cho dòng xe thể thao hạng D như Mustang. Bản chất của sàn này là một biến thể sàn DEW đang sử dụng ở Jaguar hiện tại XF/XJ. Đây mặc dù là kiểu Sàn không phổ biến, nhưng nó lại gắn với kiểu xe huyền thoại danh tiếng của Ford là Mustang, Shelby.. vì thế nó gần như là không thể thay đổi.
Ford Mustang sử dụng sàn D2C.
SUV/Pick-up cỡ lớn
Sử dụng kiểu Sàn P gồm P2, P3 và P415 dành cho dòng xe F-series và Super Duty. Sàn P2 có biến thể là T1 sử dụng cho SUV “khủng” Ford Expedition, Lincoln Navigator hiện tại. Ngoài ra còn một phiên bản nhỏ hơn là Sàn T6: chuyên lắp 3 chiếc SUV và Pick-up nhỏ cực quen ở Việt Nam và khu vực ĐNA là Ford Everest, Ford Ranger, Mazda BT-50.
Sàn P chủ yếu dùng cho những mẫu xe lớn như F-Series Super Duty.
Sàn U: U1cho Explorer thế hệ những năm 1990; U2 sử dụng chính cho Land Rover LR3, Explorer trước 2010, và U32 sử dụng ở các dòng SUV “hình sự”: Ford Expedition, Lincoln Navigator (đời trước 2007); U36 là biến thể của CD2 dùng cho Escape 2007 ở Mỹ; U38 là biến thể của sàn CD3 dùng cho Crossover Ford Edge, Lincoln MKX lắp ráp tại Oakville, Ontario, Canada.
Đặc biệt có loại Sàn VH lại được dành riêng dùng cho hãng Aston Martin
Sàn VH (vertical horizontal) được Ford cho sử dụng riêng với hãng xe siêu sang Aston Martin. Thậm chí ngay cả sau khi Ford bán Aston Martin đi, hãng xe Anh Quốc này vẫn sử dụng sàn VH cho các mẫu xe V12 Vanquish, DB9, V8 Vantage, DBS và Rapide đến tận 2014, trước khi tạo ra kiểu sàn tích hợp mới, có thể lắp được cả xe lai điện. Rất thú vị là kiểu Sàn VH này được giới kỹ sư cho rằng nó mang nghĩa học thuật và triết lý cơ khí nhiều hơn là dạng cấu trúc cơ khí đơn thuần.
Tóm lại sự phát triển, bành trướng chóng mặt sang các vùng lãnh thổ khác, thôn tính vô số các hiệu xe khác buộc các nhà sản xuất ôtô thế giới phải đi tới cùng một giải pháp: chia sẻ sàn xe giữa các thương hiệu và sử dụng càng nhiều chi tiết, bộ phận chung càng tốt. So với GM và VW, Ford chậm hơn. Nếu nhìn lại số lượng sàn xe (có phần hỗn độn) mà Ford đang sử dụng tại các thị trường trên toàn thế giới thì chiến lược phát triển nhanh chóng các sàn xe chuẩn toàn cầu của Ford là đúng đắn... và quả thực hiện nay họ đang rất thành công với nhiều mẫu xe mới ra đời liên tục trong khi chỉ phải dùng vài kiểu sàn xe! Câu chuyện chung sàn này không phải là cá biệt, càng ngày rồi cả đến động cơ, hệ thống an toàn, truyền động và thậm chí là cả thứ tưởng chừng như đồ "gia bảo" là thiết kế cũng được làng xe chia nhau dùng. Chỉ khác nhau rằng có thể là bán đứt, cho mượn qua lại hoặc "lờ" đi cho nhau tự tiện dùng.. dỹ nhiên đổi lại một quyền lợi gì đó.
DOC
Viết bình luận